Thực hiện Đề án của Bộ NN&PTNT và chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 3.2019 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS – Sở NN&PTNT) đã thực hiện 2 đợt kiểm tra và lấy 24 mẫu tôm nguyên liệu tại các cơ sở kinh doanh ở TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn để kiểm nghiệm tạp chất agar trong tôm, nhưng không phát hiện mẫu thử có tạp chất.
Ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS, cho biết: “Hành vi đưa tạp chất agar vào tôm nhằm mục đích gian lận thương mại trong thị trường nội địa, nhưng không xử lý rốt ráo sẽ ảnh hưởng uy tín tôm Việt Nam nếu xuất khẩu. Tại tỉnh ta, vài năm trở lại đây, kết quả kiểm tra, giám sát mẫu tôm không phát hiện vi phạm đưa tạp chất vào tôm, nhưng không vì thế mà chúng tôi chủ quan trong công tác này. Vì nguy cơ xảy ra vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ là rất lớn”.
Agar (còn gọi là bột thạch rau câu) được pha loãng với nước để bơm vào tôm nhằm tăng trọng lượng, lừa dối người tiêu dùng. Tôm bơm tạp chất thường có hình dáng thẳng, mập, căng tròn bất thường, các đốt trên thân tôm giãn ra, phần đuôi xòe ra không thon; tôm có độ bóng nhìn bắt mắt; phần đầu và thân dễ bị tách rời nhau”.
Ông HỒ PHƯỚC HOÀN, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Việc không phát hiện tạp chất trong tất cả các mẫu thử cho thấy có sự đóng góp của công tác tuyên truyền pháp luật, khuyến khích người dân theo hướng nuôi tôm an toàn sinh học, hạn chế việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm.
Ông Phạm Văn Chạy, Chi hội trưởng cộng đồng nuôi tôm thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, cho biết: “Vùng nuôi tôm Đông Điền hiện có 43 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình nuôi tôm an toàn sinh học trên 45 ao nuôi với tổng diện tích hơn 23 ha. Các hộ thực hiện chặt chẽ các quy định của cộng đồng, sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng sản phẩm vi sinh trong nuôi tôm. Mẫu tôm ở đây được ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và không phát hiện dư lượng kháng sinh cấm, hóa chất cấm trong tôm nuôi”.
Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cũng đã lấy mẫu tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh và gửi tới Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 tại Đà Nẵng để phân tích dư lượng các loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng và kháng sinh hạn chế sử dụng theo quy định tại Thông tư 31 của Bộ NN&PTNT. Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản – Chi cục Thủy sản, cho biết: “Theo kế hoạch năm 2019, Chi cục sẽ lấy 20 mẫu tôm tại các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh để kiểm tra theo quy định. Đến thời điểm này, chúng tôi đã lấy 9 mẫu tôm thẻ chân trắng cỡ thương phẩm ở Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ theo nguyên tắc không báo trước, ngẫu nhiên và bất kỳ để kiểm tra dư lượng kháng sinh cấm và kháng sinh hạn chế sử dụng trong nuôi tôm, và đều không phát hiện dư lượng các loại kháng sinh đã kiểm nghiệm, phân tích. Năm 2018, chúng tôi cũng đã lấy 42 mẫu tôm tại các vùng nuôi ở các địa phương nêu trên để kiểm tra và các mẫu tôm đều đạt yêu cầu”.
Các kết quả tích cực trên là cơ sở tạo dựng uy tín cho sản phẩm tôm nguyên liệu sạch của Bình Định. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Hồ Phước Hoàn, ngoài việc kiểm tra, ngăn chặn hiện tượng tồn dư lượng kháng sinh cấm, hóa chất cấm, các hành vi bơm tạp chất agar vào tôm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Chi cục còn tổ chức để các hộ cam kết sản xuất, kinh doanh tôm đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Sắp tới Chi cục QLCLNLS&TS tiếp tục mở rộng địa bàn kiểm tra, giám sát thêm những chất khác; tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức pháp luật đối với cán bộ cơ sở, chủ cơ sở nuôi, thu mua, sơ chế, chế biến tôm trong tỉnh.