Trưởng Công an xã Vĩnh Hiệp Nguyễn Hoàng Dũ cho biết: “Các vụ tai nạn điện trong dân xảy ra trên địa bàn là do người dân tiết kiệm tiền, câu kéo dây không đúng kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành điện”. Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ diện tích nuôi tôm, tai nạn do sử dụng điện trong nuôi tôm cũng gia tăng và Vĩnh Hiệp là một trong những địa phương nằm trong số đó. Đồng chí Nguyễn Hoàng Dũ cho biết thêm: “Tai nạn điện gây chết người trong nuôi tôm là nỗi lo của chính quyền địa phương. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 13 vụ tai nạn điện trong vuông tôm làm chết 10 người”.
Khi hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kéo giảm tỷ lệ tai nạn điện trong dân, đồng chí Nguyễn Hoàng Dũ thông tin: “Với thực trạng nêu trên, chính quyền địa phương phối hợp với ngành điện cùng các ban ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, nhưng khi mời họp thì bà con đến dự rất ít nên không có được kiến thức an toàn về điện. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền về điện cho bà con sử dụng được an toàn hơn”.
Theo tìm hiểu, hầu hết các vụ tai nạn điện trong nuôi tôm thời gian qua đều có nguyên nhân chủ yếu là do người dân sử dụng điện không an toàn, như: hệ thống điện sau công tơ khách hàng tự đầu tư, tự câu kéo chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, các hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, câu kéo điện sử dụng theo mùa vụ, không quan tâm đến vấn đề an toàn, chủ yếu là câu kéo điện làm sao cho ít tốn chi phí nhất, không đúng kỹ thuật, không đảm bảo an toàn. Qua thời gian sử dụng, người dân không thay thế, sửa chữa kịp thời dẫn đến rò điện ra vỏ môtơ hoặc dàn quạt.
Nhiều trường hợp để tiết kiệm chi phí chỉ kéo 1 dây nóng, dây nguội đấu xuống đất, ao hồ. Trong quá trình kéo lưới bắt tôm, vô tình chạm vào dây dẫn điện ghim dưới ao tôm và bị điện giật. Hoặc do bà con tự ý sửa chữa điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhưng không có kiến thức về an toàn điện. Sử dụng thiết bị điện (máy khoan, máy mài…) không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Theo số liệu mới nhất, trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ tai nạn điện trong dân làm chết 11 người; trong đó có đến 6 vụ tai nạn điện xảy ra trong vuông nuôi tôm nước lợ ở các huyện, thị xã có diện tích nuôi tôm.
Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn cho mỗi khách hàng. Vừa qua, công ty cũng đã lắp đặt miễn phí 40 bộ thiết bị an toàn cho hệ thống điện trong nhà và ở 1 ao nuôi tôm cho hộ có điều kiện về kinh tế ở các vùng nuôi tôm trong tỉnh. Theo đó, khuyến khích các hộ này lắp đặt hệ thống an toàn ở toàn bộ các ao nuôi tôm khác của mình. Tuy nhiên, sau 6 tháng trở lại kiểm tra, rất nhiều hộ vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ. Điều này cho thấy, hộ sử dụng điện trong nuôi tôm vẫn thờ ơ với việc thực hiện đúng theo quy trình, kỹ thuật an toàn khi sử dụng điện nên đã dẫn đến những tai nạn hết sức thương tâm.