Hiện nay, tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) đang là đối tượng nuôi thay thế dần tôm sú ở các vùng nuôi thâm canh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường dẫn đến tình hình nuôi ngày càng khó khăn hơn. Đồng thời yêu cầu xử lí nghiêm ngặt nguồn nước thải ra môi trường đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nên bà con có xu hướng chuyển dần sang công nghệ biofloc, mô hình phát triển bền vững vừa nâng cao năng suất vừa hạn chế tối thiểu việc thay nước, đảm bảo môi trường.
Công nghệ Biofloc hiện là công nghệ hàng đầu góp phần tăng cường sản xuất tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nuôi tôm/cá trong hệ thống biofloc có thể gặp một số trở ngại, đặc biệt là nồng độ chất rắn được tạo ra cao. Sự tích tụ quá mức của chất rắn lơ lửng trong nước có thể làm giảm sự phát triển của tôm và do đó các chất thải rắn này cần phải được loại bỏ khỏi hệ thống. Các chất rắn được loại bỏ là những chất thải giàu nitơ và phốt pho… nếu không tận dụng nó sẽ gây sự lãng phí cũng như sự ô nhiễm môi trường.
Nhằm giải quyết những vấn đề trên, một nghiên cứu mới đây của Manh N. Hoang và cộng sự (2018) cho thấy nuôi ghép tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương và loài cá đối (Mugil cephalus) được tích hợp trong một hệ thống biofloc là một mô hình nuôi bền vững và đem lại năng suất cao hơn.
Hệ thống biofloc tích hợp nuôi cá đối và tôm thẻ chân trắng
Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả các mật độ thả khác nhau của cá đối (Mugil cephalus) tích hợp với tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), được nuôi 75 ngày trong hệ thống biofloc.
Tôm được nuôi với mật độ 300 con/bể và cá đối được nuôi với 4 mật độ khác nhau: 0, 10, 20 và 30% sinh khối. Trọng lượng ban đầu lần lượt là 0,5 g và 1,5 g đối với tôm và cá. Tôm được cho ăn bốn lần một ngày sử dụng thức ăn viên thương mại.
Kết quả
Kết quả cho thấy ở mật độ cá đối 10% sinh khối cho hiệu suất tăng trưởng tôm tốt nhất tương ứng với 0,14g/ngày và FCR là 1.06, đồng thời tổng sinh khối thu được sau thí nghiệm cao hơn so với các nghiệm thức còn lại.
Tỷ lệ chuyển đổi chất dinh dưỡng trong nuôi tích hợp tôm với cá đối giữ lại 30,41- 40,32% tổng lượng thức ăn nitơ ăn vào và 25,26 – 33,54% tổng lượng photpho ăn vào, khác biệt đáng kể giữa các phương pháp điều trị.
Kết thúc thí nghiệm giá trị trung bình của các thông số chất lượng nước không khác biệt đáng kể (p > 0,05) giữa các nghiệm thức, ngoại trừ nồng độ TSS, TAN, NO2-N.
Kết quả chỉ ra rằng cá đối có thể được nuôi cùng với tôm thẻ chân trắng với mật độ thả cá là 10% sinh khối tôm để cải thiện chất lượng nước, năng suất tổng thể và hiệu quả sử dụng chất dinh dưỡng. Việc bổ sung cá đối vào hệ thống biofloc trong ao nuôi tôm giúp giảm nồng độ Nitơ và Photpho trong nước đầu ra, từ đó góp phần giảm chi phí trong quá trình nuôi.
Mô hình nuôi kết hợp tôm và đối ở Việt Nam đã được ứng dụng và phát triển ở các dạng khác nhau như: nuôi cá đối tận dụng nước nuôi tôm, nuôi cá đối trong ao lắng/lọc hay nuôi kết hợp. Tuy nhiên, tích hợp nuôi cá đối- tôm trong hệ thống biofloc thì chưa nhiều, do đó kết quả từ nghiên cứu cung cấp thông tin cơ sở để ứng dụng vào thực tế đảm bảo an toàn sinh học và giảm chi phí sản xuất trong quá trình nuôi.