Rất nhiều loại thức ăn thủy sản mới xuất hiện, được kỳ vọng thay thế bột cá. Tuy nhiên, vẫn chưa có nguồn nguyên liệu nào có thể xuất sắc vượt qua bột cá.
Phụ phẩm động vật
Ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi châu Á đang tăng dần tỷ lệ sử dụng các phụ phẩm động vật chăn nuôi và gia cầm. Trung Quốc là quốc gia chế biến các sản phẩm protein động vật nhiều nhất tại châu Á. Tuy nhiên, toàn bộ sản phẩm làm ra đều phục vụ thị trường nội địa. Những nước khác đều phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, Australia và New Zealand. Châu Âu cấm sử dụng protein động vật làm thức ăn chăn nuôi sau khi bệnh bò điên xuất hiện vào thập niên 90. Do đó, suốt một thời gian dài, các phụ phẩm heo và gia cầm được xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường châu Á.
Khi châu Âu gỡ bỏ lệnh cấm sử dụng protein động vật làm thức ăn thủy sản vào năm 2013, người tiêu dùng và các hãng bán lẻ vẫn lưỡng lự chấp nhận sản phẩm này. Tất cả các hãng thức ăn cho cá hồi tại châu Âu bán phụ phẩm động vật làm thức ăn cho cá hồi tại những thị trường được phép như Canada, Australia và Chile. Tuy nhiên, giá bột cá tăng, nguồn cung eo hẹp đã khiến châu Âu phải mở cửa thị trường nội địa cho các sản phẩm phụ phẩm động vật. Khi đó, giá những sản phẩm này sẽ tăng cao tại châu Á. Bởi vậy, các hãng thức ăn chăn nuôi châu Á nên xem phụ phẩm động vật như một nguồn protein tạm thời trong quá trình chuyển đổi từ bột cá sang các chất thay thế là đạm thực vật; càng không nên phụ thuộc vào phụ phẩm động vật mà quên đi các nguồn thay thế khác.
Côn trùng
Bột và dầu côn trùng được sử dụng làm thức ăn thủy sản tại châu Âu vào đầu năm 2017. Từ đó, ngành chế biến thức ăn từ côn trùng đã thu hút nhiều sự quan tâm, kéo theo các đầu tư lớn vào sản xuất tại nhiều quốc gia châu Á – nơi có chi phí chất nền nuôi côn trùng thấp hơn.
Hàng loạt thử nghiệm với tôm và cá đã chứng minh bột côn trùng có khả năng thay thế bột cá. Nhưng vướng mắc lớn nhất chính là đầu ra không đủ đáp ứng cùng đó là giá bán thức ăn côn trùng cao hơn những giá trị mà chúng mang lại cho người nuôi thủy sản. Điều này khiến các hãng dinh dưỡng côn trùng phải đau đầu, và vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Bởi vậy, cho đến nay, bột côn trùng vẫn chưa được coi là một giải pháp chính để thay thế bột cá.
Đạm thực vật, ngũ cốc thô và ngũ cốc đã chế biến
Các nhà nghiên cứu chỉ ra protein và axit amin trong các loại khô dầu đậu tương và protein cô đặc từ đậu tương, ngô, lúa mỳ, hạt cải dễ tiêu hóa hơn protein của bột cá. Tuy nhiên, khô dầu đậu tương không được sử dụng làm thức ăn cho cá hồi Atlantic vì chứa saponin kết hợp với polysaccharide phi tinh bột gây ra bệnh viêm đường ruột nghiêm trọng (enteritis). Gần đây, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cá chép, cá sọc vằn, cá bơn, cá cam sọc và cá tráp Nhật Bản ăn khô đậu tương sẽ viêm ruột, nhưng cá mú Australia, cá tuyết cod Atlantic, cá halibut Atlantic và cá bơn Ai Cập lại không mắc bệnh này.
Mặt khác, đạm đậu nành cô đặc (SPC) mà hầu hết thành phần antagonistic polysaccharides đã được loại bỏ trong quá trình chế biến để sử dụng làm thức ăn hàng ngày cho cá hồi Atlantic vẫn có khả năng gây ra bệnh viêm ruột. Do vậy, ngành dinh dưỡng thủy sản vẫn phải tiếp tục tiến hành các thử nghiệm cho ăn để đánh giá đối tượng nuôi nào nhạy cảm với thành phần saponin cao (đậu tương, đậu Hà Lan, hướng dương) và quan sát hiện tượng viêm ruột có thể xảy ra. Tại châu Âu gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện, thức ăn chứa probiotics hoặc protein vi khuẩn có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh viêm ruột. Các thử nghiệm về vấn đề này vẫn đang được thực hiện.
Axit phytic, hoặc inositol-65-phosphate (IP6) được tìm thấy trong SBM, SPC và nhiều sản phẩm ngũ cốc khác (lúa mì, cám gạo) và khô dầu các loại hạt. Đây được xem là chất kháng dinh dưỡng chủ yếu trong thành phần thức ăn có nguồn gốc ngũ cốc. Trong nhiều trường hợp, hạt tách vỏ đã loại bỏ được axit phytic, nhưng ở đậu tương, axit phytic gắn kết với protein nên khó loại bỏ trong quá trình chế biến. Bằng công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện đại, có thể sử dụng enzyme phytase để phân hủy axit phytic.