Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nuôi tôm thương phẩm hiện nay được coi là giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp ổn định và phát triển bền vững.

Việc lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi tôm thâm canh hiện nay đã và đang phá vỡ cân bằng hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường, chất lượng sản phẩm kém và tồn lưu các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng đang tạo nên rào cản trong việc xuất khẩu tôm Việt Nam ra thị trường thế giới. Do đó, nuôi tôm ứng dụng CNSH không sử dụng kháng sinh, hóa chất cần ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình nuôi.

Tác dụng chế phẩm sinh học với môi trường và tôm nuôi

Chế phẩm sinh học trong môi trường nước sẽ kích thích sự phát triển của các vi sinh vật có lợi, cạnh tranh môi trường sống, làm giảm vi sinh vật có hại, ổn định môi trường ao nuôi, giúp chuyển hóa các chất hữu cơ, như: thức ăn dư thừa, xác tảo, cặn bã… thành chất vô cơ không độc hại cho tôm nuôi; đồng thời sẽ chuyển các chất độc hại như: NH3, NO2… thành các chất không độc NO3, NH4+, từ đó ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi.

Chế phẩm sinh học trong ruột tôm giúp kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, cạnh tranh để giảm dần số lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột cho tôm, tham gia quá trình biến dưỡng tạo vitamin, chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ cung cấp năng lượng cho nuôi tôm, tiết ra một số chất kháng sinh, enzym hay hóa chất kìm hãm, tiêu diệt mầm bệnh, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho tôm. Theo đó, loại chế phẩm vi sinh thường sử dụng mang lại hiệu quả cao và dễ áp dụng cho các hộ nuôi tôm là chế phẩm EM, đây là sản phẩm gồm 87 loài vi sinh vật kỵ khí và hiếu khí được lựa chọn từ 2.000 loài vi sinh vật phổ biến trong công nghệ thực phẩm và công nghệ lên men là vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men, nấm sợi. Tác dụng của EM đối với tôm nuôi là tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu của tôm với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn của tôm nuôi, tăng sản lượng và chất lượng tôm, tiêu diệt các vi sinh vật có hại, hạn chế ô nhiễm môi trường…

Ứng dụng CNSH trong nuôi tôm được các hộ nuôi nhiệt tình hưởng ứng.

Nguyên tắc dùng chế phẩm vi sinh

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ – Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, chế phẩm vi sinh không thể đồng thời sử dụng với kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn và việc dùng phải đúng liều lượng, với chế phẩm vi sinh dạng bột nên dùng nước ao nuôi hòa tan và sục khí mạnh 2 – 4 giờ trước khi sử dụng để gia tăng sinh khối vi khuẩn, chế phẩm vi sinh dạng nước nên ủ yếm khí để gia tăng sinh khối trước khi sử dụng, thời gian xử lý vi sinh khoảng 8 giờ – 10 giờ sáng, việc dùng chế phẩm vi sinh theo định kỳ để duy trì mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm kiểm soát sinh học môi trường nước và đáy ao, ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi, ngăn ngừa các loại vi khuẩn gây hại, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ khuyến cáo hộ nuôi tôm nên dùng chế phẩm vi sinh ngay đầu vụ nuôi sẽ đem lại hiệu quả cao, có thể chia làm 3 giai đoạn là trước khi thả giống, phải tháo cạn nước trong ao, dọn bùn và bùn đáy ao và dùng chế phẩm vi sinh để xử lý bùn đen, phơi đáy 10 – 15 ngày, cày xới đáy ao để các khí độc NH3, H2S thoát ra khỏi đáy ao, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ vi sinh vật phân giải ở đáy ao phát triển mạnh, bón vôi cải tạo đáy và bờ ao, dùng chế phẩm vi sinh theo đúng hướng dẫn nhà sản xuất, kiểm tra vi sinh trong ao khi đạt yêu cầu thì tiến hành thả nuôi; giai đoạn 2, trong quá trình nuôi, dùng vi sinh xử lý môi trường nước định kỳ trong suốt vụ nuôi để ổn định mật số vi khuẩn có lợi ao nuôi nhằm duy trì chất lượng nước trong suốt vụ nuôi và phòng trừ dịch bệnh cũng như trộn vi sinh trong thức ăn để cho tôm ăn để ổn định vi sinh vật trong đường ruột tôm, giúp tôm tăng cường sự bắt mồi, hấp thụ tốt thức ăn, nâng cao hiệu quả thức ăn phòng trừ các bệnh đường ruột trên tôm; giai đoạn 3, sau thu hoạch tôm, dùng chế phẩm vi sinh xử lý nước thải ra môi trường và dùng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải sau khi kết thúc vụ nuôi.

Qua đó, tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ hướng dẫn người nuôi tôm cách phòng trị một số bệnh tôm bằng chế phẩm sinh học:

Tôm nổi đầu do khí độc, người nuôi hòa tan 2 – 3 lít EM gốc ( khoáng GS Mix) vào 20 lít nước lấy từ ao nuôi rồi tạt đều vào ao nuôi ngay lúc tôm nổi đầu, đồng thời mở dàn quạt chạy hết công suất.

Tôm bị mòn đuôi, cụt râu, dùng 2 – 3 lít EM (Tovidon) tỏi cộng với 10kg thức ăn, trộn đều và ủ kín thức ăn trong 4 giờ, sau đó cho tôm ăn theo tỷ lệ 1kg/100.000 tôm giống/ngày, hoặc dùng 50 lít EM2/1.000m2/ngày, dùng liên tiếp 3 lần với khoảng cách 2 ngày/lần.

Đối với tôm bị đóng rong, dùng 4 lít EM5/1.000m2 (vi sinh Bio SBS, Tovidon) dùng liên tiếp trong 5 ngày vào buổi sáng và khi tảo chết nhiều độ pH thấp dùng vôi để nâng pH;

Tôm bệnh đốm trắng do vi khuẩn, dùng 5 lít EM (GS 350) 5/1.000m2 dùng liên tiếp trong 5 ngày vào buổi sáng đến khi tôm lột xác nhiều ngừng sử dụng EM5 thay thế bằng 10 lít EM2/1.000m2/2 ngày và dùng liên tiếp cho đến lúc bệnh đốm trắng giảm dần.

Thúy Liễu Báo Sóc Trăng

Thông tin liên hệ: 09.333.333.61 hoặc truy cập qua facebook: Sinh học tôm vàng để biết thêm thông tin.

Tag:  

Tư vấn hợp tác chuyển giao công nghệ liên hệ: 09.333.333.61 Quy trình nuôi tôm công nghệ cao SINH HỌC TÔM VÀNG tư vấn thiết kế và xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả và tỉ lệ thành công 90% trọn vẹn niềm tin.

Sinh Học Tôm Vàng