Từ giữa tháng 5 đến nay, thời tiết thường có mưa nhiều xen kẽ với những ngày nắng nóng, điều kiện môi trường có nhiều biến động gây bất lợi cho tôm nuôi và cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt, bệnh phân trắng trên tôm giai đoạn 40 ngày tuổi có dấu hiệu xuất hiện nhiều tại 1 số xã, phường của thị xã Vĩnh Châu, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.
Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu là 7.695ha, đạt trên 32% kế hoạch (tôm thẻ là 6.077 ha, tôm sú 1.618 ha). Tổng diện tích thiệt hại là 201,91ha (chiếm tỷ lệ khoảng 2,60% diện tích thả nuôi), so với cùng kỳ diện tích thiệt hại không đáng kể, giảm khoảng 997ha, trong đó bệnh phân trắng chiếm khoảng 6,5%.
Trong chuyến khảo sát, ngoài việc tham gia buổi hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm với bà con nuôi tôm về hội chứng phân trắng ở tôm nước lợ, hướng dẫn các giải pháp phòng ngừa và xử lý bệnh, đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với phòng kinh tế thị xã Vĩnh Châu và lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn nhằm trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp thích hợp để ngành chức năng trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có thể hướng dẫn hộ nuôi tôm chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh , giảm thiệt hại thấp nhất.
Cùng ngày, đoàn cũng đã đến tham quan dự án khu sản xuất tôm giống chất lượng cao của tập đoàn Việt – Úc, tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải đang chuẩn bị đưa vào hoạt động. Việc đầu tư khu sản xuất giống chất lượng cao tại Sóc Trăng không chỉ tạo thuận lợi về nguồn giống cho người nuôi mà còn góp phần rất lớn trong việc phát triển ngành kinh tế thủy sản của tỉnh nhà trong thời gian tới.