Gia đình ông Phạm Văn Hinh tại xóm 5, xã Kim Trung là một đầu mối ương nuôi tôm giống để cung cấp cho nhân dân trong vùng. Ông Hinh cho biết, để việc ương tôm giống đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Tôm giống có sức đề kháng yếu, rất nhạy cảm với môi trường nên nước trong ao ương phải được tiệt trùng, sử dụng vi sinh để ổn định các chỉ số, có máy sục nước để tạo khí…
Bình quân khoảng 2-3 ngày, ông Hinh lại lấy mẫu nước một lần để kiểm tra các chỉ số. Khi thời tiết diễn biến bất thường, việc lấy mẫu nước để kiểm tra diễn ra thường xuyên hơn, một ngày một lần. Ông Hinh tâm đắc rằng: Đối với con tôm, chỉ có thể phòng bệnh, còn việc chữa bệnh hầu như là bất khả thi.
Do vậy, việc quản lý tốt môi trường ao nuôi là cách phòng bệnh hữu hiệu, cần đặc biệt quan tâm. Còn gia đình anh Trần Văn Bộ có gần 4 mẫu ao đầm nuôi tôm tại xóm 3, xã Kim Đông.
Đầu tháng 4 vừa qua, anh Bộ đã thả mới hơn 17 vạn giống tôm sú. Định kỳ cứ mỗi ngày hai lần, anh lấy mẫu nước và sử dụng bộ công cụ D.O Test Kit để kiểm tra các chỉ số thông thường trong ao nuôi. Anh cho biết, thời điểm giao mùa nên thời tiết thất thường, dễ thay đổi môi trường ao nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Vì vậy, tôi thường kiểm tra một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối để giám sát chặt chẽ các chỉ số trong nước ao nuôi, kịp thời điều chỉnh ở mức cân bằng nhất.
Ông Phạm Văn Thùy, Phó Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình) cho biết: Môi trường ao nuôi tôm là yếu tố quyết định thành bại của một vụ nuôi thả. Khác với động vật trên cạn, tôm nuôi là loài động vật bậc thấp, biến nhiệt, lại có sức đề kháng kém nên con tôm rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường.
Do đó, việc quản lý tốt môi trường ao nuôi sẽ giúp tôm nuôi sinh trưởng và phát triển, hạn chế được dịch bệnh, đảm bảo năng suất và sản lượng khi thu hoạch.
Trong quá trình nuôi, các hộ NTTS cần tích cực chăm sóc ao nuôi, quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi như các chỉ số về nhiệt độ, nồng độ pH, hàm lượng ôxy hòa tan, độ mặn, màu nước, các loại khí độc. Trong vài ngày trở lại đây, trời âm u nhiều mây, nhiệt độ thấp và có mưa nhỏ. Nước mưa hòa tan vào môi trường ao nuôi sẽ gây biến đổi các chỉ số môi trường.
Đến khi vào hè, nhiệt độ trong ao nuôi tăng cao, thường xuyên thay đổi, thời tiết lại mưa nắng bất thường. Nắng to khiến nhiệt độ nước tăng nhanh, lúc này cường độ trao đổi chất trong tôm tăng, tôm ăn mạnh, đi kèm là chất thải nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường, gây thiếu ôxy và vi khuẩn phát triển mạnh, tôm hay mắc các bệnh như phân trắng và hoạt tử gan tụy.
Vì vậy, nhiệt độ tối ưu cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt trong khoảng 28-30 độ C. Thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao, hàng năm, Trạm Thủy sản thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm với tần suất 1 lần/tuần. Kết quả quan trắc được thông báo trên hệ thống đài truyền thanh để người nuôi tôm chủ động trong việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống và triển khai các giải pháp phù hợp nhằm quản lý tốt môi trường ao nuôi tôm.
Ngoài ra, để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, Trạm Thủy sản cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, phổ biến lịch thời vụ đến người nuôi tôm nhằm giúp người nuôi kiểm tra, chọn tôm giống sạch bệnh, chăm sóc và quản lý tốt môi trường ao nuôi.
Trong năm 2018, Trạm Thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh đã tiến hành thu 4.000 mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu môi trường để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý cho các hộ NTTS trong vùng. Nhờ vậy, thiệt hại do tôm chết năm 2018 giảm và thấp nhất trong 5 năm vừa qua.
Những năm trở lại đây, việc NTTS ở huyện Kim Sơn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong tư duy sản xuất của bà con nông dân. Các hình thức sản xuất tiên tiến, được áp dụng khoa học kỹ thuật xuất hiện ngày một nhiều như công nghệ bio-floc, ao nổi, ao nuôi có mái che… Cũng nhờ đó, việc quản lý môi trường ao nuôi đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là sự chủ động, tích cực của chính những người dân.