Công nghệ Semi Biofloc
Đó là chia sẻ của anh Lê Minh Chính, tại thôn Hang Dơi, xã Ninh Phú khi nhiều nằm liền anh thả nuôi tôm đều thắng lợi. Theo anh Chính, công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh.
Tuy nhiên để áp dụng công nghệ nuôi này, anh Chính đầu tư tất cả ao nuôi đều lót bạt, kết hợp hệ thống xi phông tự động, hệ thống sục khí, máy cho ăn tự động, máy phát điện. Đặc biệt đầu tư hệ thống thu gom chất thải và hệ thống xử lý nước, cải thiện môi trường, cấp bù rất cần thiết trong nuôi tôm. Do đó, với 3ha, thì diện tích ao thu gom chất thải và ao xử lý nước đã chiếm phân nửa.
Vi sinh xử lý nước
Ngoài hệ thống công trình ao nuôi, anh Chính còn đầu tư các khu nuôi cây vi sinh dùng hỗn hợp men vi sinh ủ với mật rỉ đường … tạo Biofloc trong thùng phuy để đưa xuống ao nuôi theo định kỳ. Nước cấp vào ao nuôi rất quan trọng- nó là một trong những yếu tố quyết định thành bại trong nuôi tôm, nên được xử lý cẩn thận.
Trước tiên nước biển được bơm vào bể lọc, sau đó đưa vào ao lắng. Tại đây, nước được xử lý diệt khuẩn bằng Clorin nồng độ 20 ppm từ 20 kg/1.000m3 nước. Sau 72 giờ đồng hồ nước sẽ sử dụng để cấp hoặc bù nước cho các ao ương, ao nuôi.
Nuôi được 4 vụ/năm, khá an toàn
Hiện nay mô hình nuôi tôm của anh Chính nuôi được 4 vụ/năm, nghĩa là kể cả trong mùa mưa. Tuy nhiên để nuôi “cuốn chiếu” như vậy, anh Chính áp dụng nuôi 3 giao đoạn (hay 3 pha).
Theo đó, pha 1 nuôi ương tôm giống trên bể nổi có lưới lan áp dụng theo công nghệ Biofloc. Bể này hình tròn lót bạt, có đường kính 12- 15m, cao 1,2m, chứa khoảng 150 m3nước và có thể ương tới 70 vạn đến 1 triệu giống.
Tiếp đến pha 2, sau 20 ngày sẽ chuyển toàn bộ tôm ương xuống ao nuôi ngoài trời, không cần lưới lan áp dụng theo công nghệ Semi Biofloc. Tại đây sẽ nuôi 30 ngày, đến khi tôm đạt kích cỡ 200 con/kg, mật độ 500 con/m2 trước khi chuyển sang pha 3.
Tuy nhiên mật độ nuôi tôm pha 3 được giảm xuống nửa, tức là mỗi ao chỉ thả từ 200-250 con/m2 để nuôi tôm đến khi đạt kích cỡ mong muốn thì thu hoạch.
“Nhờ áp dụng công nghệ Semi Biofloc, kết hợp nuôi 3 giai đoạn nên việc nuôi của tôi hiệu quả, giảm được nhiều chi phí về tiền điện, thức ăn ban đầu, cũng như kiểm soát được tỷ lệ sống trong quá trình nuôi ương ban đầu. Tôm nuôi được 80-90 ngày đạt kích cỡ 50 con/kg”, anh Chính tự tin khẳng định.
Được biết, hiện anh Chính có 10 ao nuôi, trung bình 1.600 m2/ao, cho thu hoạch từ 4-5 tấn/vụ. Như vậy, với mỗi năm nuôi được 4 vụ thì sản lượng anh thu hoạch từ 150-160 tấn/năm. Với giá bán trung bình 140 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh lãi gần nửa. Đây là hiệu quả nuôi tôm rất cao đối với các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhiều năm qua.
Theo anh Chính, vụ thả nuôi tôm đầu năm 2019, việc nuôi tôm của gia đình anh rất thuận lợi. Hiện 5 ao tôm đã thu hoạch sản lượng khoảng 20 tấn. 5 ao còn lại sẽ tiếp tục thu hoạch trong những ngày tới, anh ước tính sản lượng khoảng 30 tấn. Được biết, trong vụ tiếp theo anh sẽ mở rộng thêm 1ha thả nuôi tôm nữa khi đã đầu tư hoàn thiện công trình và thiết bị, với chi phí khoảng 1 tỷ đồng.
Kim Sơ NNVN
Tepbac
SHTV