Anh Nghĩa cho biết, năm 2011, anh đầu tư gần 1,2 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn (theo công nghệ biofloc trong bể nổi). Bể nuôi được làm bằng khung sắt tròn đặt trên mặt đất, phủ bạt và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Khu nuôi tôm được thiết kế 4 bể nuôi (500m2/bể), 2 bể ương (100m2/bể) cùng hệ thống ao cấp và xử lý nước trên diện tích 2ha.
Quy trình nuôi được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, ương tôm giống khoảng 30 ngày trên hồ khung sắt tròn 100m2, mật độ 3.000 con/m2. Giai đoạn 2, nuôi thương phẩm, chuyển sang bể nuôi có diện tích 500m2, mật độ thả nuôi khoảng 300 con/m2. Sau 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng khoảng 30 con/kg thì thu hoạch.
Vụ nuôi đầu tiên, với mật độ thả nuôi 300 con/m2, sau hơn 2 tháng, tôm trong bể nổi đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg. Anh Nghĩa thu hoạch tôm 2 bể nuôi với sản lượng trên 3,5 tấn, thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Qua 4 vụ nuôi, anh Nghĩa đều thành công, tôm đạt năng suất và lợi nhuận cao.
Theo anh Nghĩa, để nuôi tôm trong bể nổi đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững, người nuôi phải tuân thủ quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Phải chọn con giống sạch bệnh, đạt chất lượng cao.
Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao nuôi phải được lắng lọc kỹ lưỡng, thu gom thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài. Nước thải trong bể nổi sau khi bơm lên hồ phải tách chất thải rắn; phần vỏ tôm, xác tôm chết và thức ăn thừa được lọc qua túi lưới. Đối với phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo được tách hết nước mặn, sau đó dùng nước ngọt pha loãng và có thể sử dụng bón cho cây trồng, làm biogas… Qua 2 công đoạn này, nước thải được sử dụng lại cho nhiều mục đích khác nhau, không thải ra môi trường xung quanh.