Quảng Nam: Tôm nuôi chết hàng loạt, nông dân điêu đứng

Người dân xã Tam Phú chuẩn bị nuôi tôm trở lại sau dịch bệnh. Ảnh: QUANG VIỆT

Tôm nuôi chết hàng loạt trên diện rộng khiến nông dân gặp khó khăn. Sau vụ nuôi thất bát, một số hộ cầm cự với nghề, huy động vốn đầu tư trở lại, nhiều hộ đành bỏ hoang ao nuôi tôm.

Vi sinh đậm đặc phân hủy các chất cận bã

Tôm chết hàng loạt

Cánh đồng tôm dọc sông Trường Giang qua địa phận thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) có hơn 50ha, đồng loạt thả nuôi vụ 1 từ đầu tháng 2. Đến nay, diện tích tôm chết bởi các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp chiếm đến hơn 90%. Thẫn thờ đứng bên 4 ao nuôi tôm với diện tích 1.200m2, ông Nguyễn Quỳ than thở: “Tôm mắc phải bệnh hoại tử gan tụy cấp thì chết chứ không xử lý được. Tôi muốn đầu tư lại để gỡ gạc nhưng không thể vì nợ nần chồng chất, không có tài sản thế chấp để huy động vốn”. Theo ông Quỳ, mấu chốt nằm ở chỗ, nguồn nước ngầm đã ô nhiễm nặng, không có cách nào xử lý để nuôi tôm ổn định. Chỉ cần thời tiết biến động, thêm nóng hay lạnh là mầm bệnh được dịp phát tán, tấn công khiến tôm bị chết vì không miễn dịch được.

Ông Lê Văn Tại – cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) cho biết, bước vào vụ 1 nuôi tôm nước lợ, nông dân toàn xã thả nuôi tổng cộng 70ha, đến nay đã có hơn 60ha bị chết hàng loạt. Nhiều nông hộ ở các thôn Phú Quý, Quý Ngọc đã cải tạo lại ao, tiếp tục đầu tư nuôi tôm nhưng nhiều người khác ở các thôn Quý Thượng, Ngọc Mỹ lại để trơ ao. “Cứ đầu vụ nuôi tôm là nông hộ thả nuôi đồng loạt sau thời gian dài nghỉ gián đoạn. Nhưng hễ đã xảy ra dịch bệnh rồi là họ hoang mang. Người nào huy động được vốn thì đầu tư lại, người nào nghi ngại thì bỏ hoang ao nuôi. Cũng có các hộ khác muốn đầu tư nhưng bất lực. Nuôi tôm như đánh bạc với trời vậy” – ông Tại nói.

Ông Nguyễn Tấn Hùng – Phó Ban nông nghiệp của UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) cho biết, từ đầu vụ đến nay, tôm nuôi chết hàng loạt ở các thôn Lộc Ngọc, Bản Long, Tân Bình Trung, Tiến Thành, Tân Lộc với diện tích hàng chục héc ta. “Năm nào cũng vậy, cứ hễ có nuôi tôm thì có tôm chết. Chỉ có điều năm nay ngành chức năng chưa tiếp ứng Chlorin giúp nông hộ dập dịch hay khử trùng để đầu tư nuôi tôm trở lại. Trong khi đó, vì tôm có dấu hiệu bệnh nên bất kể giá cả nào các chủ hồ cũng mua vật tư, thuốc thú y nên lâm nợ nặng nề” – ông Hùng nói.

Cần xử lý triệt để mầm bệnh

Xã Duy Vinh là địa bàn trọng điểm nuôi tôm của huyện Duy Xuyên cũng đã xảy ra tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt bởi các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng trong nhiều ngày qua. Theo ông Trần Hậu (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh), mọi năm tôm phát triển rất tốt nhưng năm nay dịch bệnh hoành hành khiến nông hộ điêu đứng. “Địa phương có nguồn nước nhĩ dồi dào, trong sạch nên nuôi tôm không cần dẫn nước từ sông vào. Chúng tôi cũng không cần phải tự hút nước ngầm vốn tồn tại nhiều kim loại nặng cản trở quá trình sinh trưởng của tôm nuôi. Không hiểu sao, mầm bệnh ở nơi nào đã lan tới địa bàn khiến tôm nuôi chết hàng loạt” – ông Hậu nói.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thôn Vĩnh Nam có điều kiện nuôi tôm tốt hơn hẳn các nơi khác mà dịch bệnh cũng xảy ra thì nông dân cần hết sức cẩn trọng đầu tư nuôi tôm để hạn chế thiệt hại, thua lỗ. Đối với các khu vực có tôm chết vì bệnh đốm trắng, cần cách ly ngay bằng cách đóng chặt cống, không cho nước thẩm lậu từ trong ra ngoài và ngược lại. Các nông hộ cần thông báo ngay đến Chi cục Chăn nuôi & thú y để được hướng dẫn các biện pháp tiêu hủy và khử trùng bằng Chlorin, hạn chế lây lan dịch bệnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, UBND tỉnh đã thống nhất giao cho cơ quan mua 20 tấn Chlorin trong năm 2019 từ nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người dân ở các địa phương nuôi tôm xử lý các bệnh nguy hiểm. Theo đó, 10 tấn Chlorin đã về đến Quảng Nam vào chiều 27.3. Những ngày tới, Chi cục Chăn nuôi & thú y sẽ có kế hoạch chuyển khối lượng Chlorin này đến các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ người nuôi tôm xử lý, khống chế dịch bệnh.  

Theo ông Lê Văn Tại, địa phương đã khuyến cáo các hộ đã nuôi tôm trở lại cần thường kiểm tra các chỉ tiêu nước, môi trường, mầm bệnh trong ao để phát hiện sớm các diễn biến bất thường và xử lý kịp thời. Trong quá trình nuôi tôm, nông hộ nên cho tôm ăn vừa đủ, tránh dư thừa, sử dụng men vi sinh để phân hủy chất hữu cơ, giảm khí độc và hạn chế các mầm bệnh gây hại. Các nông hộ muốn đầu tư nuôi tôm trở lại thì nhất thiết phải cải tạo ao nuôi kỹ càng, phơi nắng trong nhiều này để diệt tạp. Đồng thời, xử lý nước trong ao lắng bằng Chlorin hoặc thuốc tím rồi mới cung cấp vào ao nuôi tôm để đảm bảo môi trường ổn định. Ông Nguyễn Tấn Hùng đề xuất, Sở NN&PTNT hỗ trợ Chlorin giúp người dân dập dịch, tránh lây lan bệnh ra nhiều vùng khác. “Mỗi ký Chlorin có giá gần 100 nghìn đồng chỉ có thể xử lý cho chừng 30m2 ao nuôi tôm. Người nuôi tôm đã thiệt hại nặng rồi, nên tỉnh cần hỗ trợ Chlorin để người dân dập dịch” – ông Hùng nói.

Tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường các vùng nuôi tôm

Theo ông Trần Châu Giang – Phó phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, vụ 1 năm 2019 nông dân toàn huyện thả nuôi tôm trên diện tích 128ha, tập trung ở 3 xã Duy Nghĩa, Duy Thành và Duy Vinh, trong đó có khoảng 45% diện tích bị nhiễm bệnh dẫn đến chết hàng loạt. Trước tình hình này, ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh, không trực tiếp xả thải nước trong ao nuôi có tôm chết ra ngoài nhằm hạn chế lây lan ra diện rộng. Ông Giang nói: “Ngành nông nghiệp huyện thường xuyên thông tin kịp thời các thông báo về môi trường, bệnh trên con tôm từ phía cơ quan chuyên môn đến người nuôi tôm và thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật ngăn ngừa dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các vùng nuôi tôm, kịp thời phát hiện những ao xuất hiện bệnh để phối hợp với cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra, xác định nguyên nhân, qua đó có giải pháp phòng chống bệnh hiệu quả. Mặt khác, khuyến cáo người dân tiến hành triệt để các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực nuôi tôm bị bệnh và kiểm tra nguồn nước trước khi thả nuôi đợt mới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại”.

Riêng ở Duy Vinh, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đức Lắm – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, địa phương đang thành lập 6 tổ vay vốn ở 6 thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có việc đầu tư nuôi tôm.(YẾN VY – BÍCH HUỆ)

Việt Nguyễn Báo Quảng Nam
Nguồn: Tepbac

Thông tin liên hệ: 09.333.333.61 hoặc truy cập qua facebook: Sinh học tôm vàng để biết thêm thông tin.

Tag:  

Tư vấn hợp tác chuyển giao công nghệ liên hệ: 09.333.333.61 Quy trình nuôi tôm công nghệ cao SINH HỌC TÔM VÀNG tư vấn thiết kế và xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả và tỉ lệ thành công 90% trọn vẹn niềm tin.

Sinh Học Tôm Vàng