Từ những cậu bé chuyên sửa máy móc
Phường Tân An, TX Quảng Yên – nơi 2 em Anh Tài và Đức Hoàn sinh sống có tới 75% người dân làm nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản. Trong đó, bố mẹ của Tài chuyên sửa chữa các thiết bị máy móc, tàu thuyền nên từ lâu, Tài đã rất đam mê, có thể sửa nhiều máy móc cho gia đình, hàng xóm, bạn bè, thầy cô. Anh Tài cười nói: “Nhà của em và Đức Hoàn cách nhau chưa tới 1 cây số. Chúng em chơi với nhau từ bé nên rất thân thiết. Vì thế, em đã truyền cho Hoàn một số bí kíp sửa chữa máy móc. Cũng chẳng biết từ khi nào, niềm đam mê nghiên cứu khoa học lại thắp lên trong chúng em”. Với khả năng của mình, Anh Tài cho biết mọi thiết bị máy móc, điện tử trong nhà hầu như đều tự tay em sửa chữa. Không chỉ ở gia đình mà cả thầy cô, bạn bè trong lớp cũng tin tưởng vào tay nghề của em. Nhiều thầy cô có quạt, máy bơm bị hỏng, cũng đều í ới để cậu học trò của mình đến sửa.
Có lẽ, đó cũng chính là một trong những cơ duyên giúp Anh Tài và Đức Hoàn đến gần hơn với nghiên cứu khoa học. Theo đó, dự án mà 2 em thực hiện thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, gắn liền với thực tiễn địa phương của các em. Theo chia sẻ của các em, nghề nuôi tôm ở Việt Nam nói chung và phường Tân An nói riêng, gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Quy trình kỹ thuật nuôi tôm gồm nhiều công đoạn, từ việc chuẩn bị ao nuôi (cải tạo ao, làm sạch bề mặt đáy ao) đến lấy nước, chọn giống, chăm sóc và thu hoạch.
Đức Hoàn cho biết: “Ở mỗi công đoạn lại có những khó khăn nhất định. Công đoạn ấn tượng nhất đối với chúng em là chuẩn bị ao nuôi, cụ thể là làm sạch bề mặt bạt của đáy ao nuôi tôm. Qua quan sát chúng em thấy, luôn có ít nhất 4 người chia làm hai nhóm, mỗi nhóm ở một đầu của ao nuôi. Trong nhóm, 1 người dùng chổi quét nước hoặc bàn chải chà đi chà lại rất vất vả để có thể cọ sạch các chất bẩn bám bề mặt bạt. 1 người còn lại cầm vòi bơm có công suất lớn để rửa trôi các chất bẩn đó xuống hố ga (rốn ao). Thường thì công đoạn làm sạch bề mặt bạt đáy ao 2.000m2 tối thiểu phải mất 2 ngày với 4 người làm. Vì thế, chúng em luôn ấp ủ một ước muốn giảm bớt sự mệt mỏi, vất vả, giảm bớt nhân công, thời gian và chi phí cho việc dọn rửa ao nuôi. Và nhóm chúng em đặt ra câu hỏi làm thế nào để có chiếc máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm một cách đơn giản và hiệu quả nhất?”.
Thực hiện hóa ước mơ sáng chế
Sau quá trình hình thành ý tưởng, dưới sự hướng dẫn chính của thầy Hoàng Văn Thắng, giáo viên nhà trường và sự tư vấn của Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh, Trường Đại học Hạ Long, Đức Hoàn và Anh Tài đã nhanh chóng thực hiện sản phẩm chỉ trong 2 tháng (9, 10/2018). Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm của 2 cậu học trò Trường THCS Tân An có giá thành khá rẻ (khoảng 3 triệu đồng), dễ chế tạo, tháo lắp và có độ bền cao (nguyên vật liệu hầu hết là inox 304). Đồng thời, sản phẩm này cũng dễ sử dụng, giảm được nhiều nhân công, sức lao động và rút ngắn thời gian lao động.
Khi hoàn thiện sản phẩm, Anh Tài và Đức Hoàn còn tiến hành thử nghiệm máy ở các tình huống bề mặt, địa hình khác nhau (dưới đáy ao và thành bờ); đồng thời, đưa máy đến các cơ sở để sử dụng thử, ghi nhận ý kiến phản hồi, góp ý của người sử dụng.
Anh Tài nói thêm: “Chúng em đã khảo sát, tìm hiểu người dân lao động, trên thị trường và tìm kiếm trêm mạng Internet thì thấy hiện tại chưa có sản phẩm nào tương tự. Sản phẩm của chúng em đã kết hợp hai công cụ phải dùng để rửa ao (máy bơm cao áp và chổi quét nước) làm một thiết bị. Giờ đây, chỉ cần một người để làm công việc này mà trước đó bắt buộc phải có 2 người cùng làm”.
Thầy Hoàng Văn Thắng, giáo viên hướng dẫn của 2 em Anh Tài và Đức Hoàn cho biết: “2 em đều là những học sinh ngoan. Các em tuy còn nhỏ nhưng tiếp thu kiến thức nhanh. Tôi tin rằng tài năng của các em sẽ còn tiến xa hơn”.