Theo dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Tháng 7 vừa qua, các thị trường nhập khẩu chính, gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a… đều tăng trưởng dương. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng đạt ở mức hai con số. Còn xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay.
Ðáng chú ý là nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ – một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe, đang tăng lên sau khi giảm nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Ðộ, Thái-lan và Trung Quốc. Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%, không chỉ tác động ngắn hạn đến các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, mà còn mở ra khả năng bứt phá cho các doanh nghiệp này đẩy mạnh xuất hàng đi Mỹ trong thời gian tới. Ðây cũng là “tấm giấy thông hành” có giá trị để tôm Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khác.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tôm các tháng cuối năm 2019, ngành thủy sản cần có những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến cho xuất khẩu. Một mặt, cần phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các quy định mới theo Luật Thủy sản 2017, nhất là công tác đăng ký các đối tượng nuôi chủ lực để đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Ðồng thời tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phát triển sản phẩm quốc gia là tôm. Cũng như phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ rào cản thương mại tại các thị trường Trung Quốc, A-rập Xê-út, Mỹ, EU…
Tăng cường xúc tiến thương mại nhằm quảng bá về các ngành hàng xuất khẩu tôm của Việt Nam ra thế giới, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD trong năm nay.
Mặt khác, cần tổ chức tổng kết, nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo chuỗi; kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư thủy sản; tăng cường quản lý chất lượng nguồn tôm bố mẹ và con giống bố mẹ, cũng như kiểm soát việc nhập khẩu tôm bố mẹ bảo đảm an toàn sạch bệnh. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết khí hậu và quan trắc môi trường tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để có giải pháp kỹ thuật phù hợp, kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn địa phương và người nuôi tôm nước lợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh và thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng khi phát hiện bệnh để có biện pháp ngăn chặn, hạn chế lây lan…
Những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao giá trị, phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững.