Nhờ vào đặc tính lớn con và có nhiều thịt, mà các hệ thống nuôi tôm càng xanh ở VN ngày càng được mở rộng. Cùng với tôm thẻ và sú thì tôm càng xanh là loài được nuôi và tiêu thụ rộng rãi trên thế giới. Các mô hình luân canh hay xen canh với lúa đều cho kết quả rất khả quan. Tại thời điểm hiện tại, tôm càng xanh vẫn chưa thể ngang tầm với tôm sú và thẻ. Nguyên nhân do đâu?
Tôm càng xanh là loài thủy sản nước ngọt nhưng hiện nay đã được thuần hóa và sinh trưởng tốt trong nước lợ. Vòng đời tôm càng xanh rất đặc biệt. Tôm bắt cặp giao vỹ ở nước ngọt, sau 23 ngày ôm trứng, con cái ra nước lợ phóng thích trứng và nở ra ấu trùng. Giai đoạn 20-35 ngày sau khi nở, tôm sống trong nước lợ (10-14‰). Từ giai đoạn tôm bột sẽ bắt đầu di cư sống ở nước ngọt dần đến khi tôm trưởng thành hoàn toàn là nước ngọt. Tôm càng xanh thích nền đáy sạch, nước chảy và thay đổi thường xuyên. Tôm thường chui rúc vào các bụi rậm, cây cỏ để tránh dòng nước mạnh và để kiếm ăn.
Tôm càng xanh.
Ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tôm càng xanh được nuôi chủ yếu bằng hình thức xen canh với cây lúa và được xem như là đối tượng thủy sản nước ngọt xuất khẩu chủ lực. Mặc dù năng suất là chưa cao, nhưng tôm càng xanh cũng đã đóng góp phần đáng kể vào lợi nhuận của nông dân so với chỉ làm lúa một cách đơn thuần. Vì vậy mà diện tích nuôi đang bắt đầu tăng lên trong những năm gần đây. Có rất nhiều thách thức đang được đặt ra với nghề nuoi tôm càng xanh bao gồm mật độ thả thưa, thời gian nuôi kéo dài, thị trường tiêu thụ nội địa thì giá cả thường bấp bênh và đặc biệt là thiếu hụt nguồn giống toàn đực chất lượng cao.
Khi tôm đạt kích thước 35-50g, tôm đực có tốc độ tăng trưởng và kích thước tối đa lớn hơn so với tôm cái, tôm đực có thể đạt chiều dài tối đa 32cm, trong khi con cái đạt 25cm. Ngoài ra, sự phân đàn khá rõ kể cả trong cùng nhóm giới tính. Trong đó, cá thể có càng màu xanh tăng trưởng nhanh nhất, tiếp theo là cá thể có càng màu cam và chậm nhất là những con tôm đực nhỏ. Trong cùng một đàn, nuôi chung tôm đực với tôm cái, tôm đực lớn hơn rất nhiều so với tôm cái do con cái sinh sản rất sớm và nhiều lần nên phải cung cấp dinh dưỡng cho trứng, những con tôm lớn sẽ ăn tôm nhỏ hơn, giành ăn với nhau khiến cho tốc độ tăng trưởng không đồng đều và làm cho năng suất thấp.
Tuy nhiên có khá nhiều phương pháp để chuyển đổi giới tính cho tôm bao gồm dùng hormon để tác động theo hướng đực hóa khi tôm chưa biệt hóa giới tính; tạo con cái giả với kiểu gen của con đực, cho sinh sản với con đực bình thường, sinh ra một đàn con toàn đực; loại bỏ hẳn tuyến đực trước khi tôm kịp biệt hóa giới tính và can thiệp sâu vào bộ gen của tôm. Ở đây phương pháp can thiệp vào bộ gen là có kết quả tốt nhất. Tuy vậy phương pháp trên chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm mà chưa được áp dụng rộng rãi, nên nguồn giống toàn đực chất lượng đã hiếm lại càng khó tìm kiếm hơn.
Ngoài ra một trong những khó khăn lớn nửa là do nếu bắt buộc phải có những con giống tốt thì các trại tôm càng xanh phải chọn địa điểm phù hợp và áp dụng kỹ thuật khá cao cùng với nguồn vốn lớn. Do vòng đời của chúng khá đặc biệt, phải đẻ ở cửa sông với độ mặn không quá 14‰, nếu trên mức đó thì trứng hư. Hơn nửa là trong quá trình nuôi, tôm rất dễ bị đồng loại ăn thịt khi lột xác và chúng có tính chiếm hữu cao, khó nuôi thâm canh, tỉ lệ phân đàn lại rất lớn.
Với những khó khăn hiện tại thì có lẽ còn rất lâu tôm càng xanh mới vươn mình ngang hàng với tôm thẻ chân trắng hay tôm sú được. Tuy nhiên nguồn con giống toàn đực chất lượng cũng đang được cho sinh sản nhân tạo và bước đầu có nhiều thành công nhất định. Nhiều nguồn đầu ra qua việc xuất khuẩn cũng hứa hẹn mang đến sự yên tâm nhất định cho người nuôi về giá cả. Việc rà soát lại quy hoạch và đầu tư hạ tầng vùng nuôi tập trung cũng sẽ đem lại nhiều hướng mới cho sự phát triển của con tôm càng xanh ở nước ta.
Hà Tử
Nguồn Tepbac: https://tepbac.com/tin-tuc/full/tai-sao-tom-cang-xanh-chua-the-sanh-duoc-voi-tom-the-va-tom-su-29917.html