Tính đến trung tuần tháng 12/2018, trên địa bàn tỉnh có gần 245 ha nuôi tôm công nghiệp và 617 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến bị bệnh. Mức độ thiệt hại khoảng 30 – 70% năng suất tôm nuôi. Nguyên nhân chủ yếu được xác định do thời tiết thay đổi, độ mặn trong các vuông tôm dao động từ 7%o– 15%o, một số bị bệnh đốm trắng.
Ở các huyện Phú Tân, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn từ 31 đến 60 ngày tuổi. Nếu tôm bị thiệt hại ở giai đoạn này, phần lớn người nuôi thu hoạch chỉ huề vốn hoặc có lãi nhưng rất khiêm tốn.
Mặc dù tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có giảm so với trước, nhưng Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đặc biệt là ở các địa phương vẫn không lơ là, chủ quan, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp nông dân bảo vệ tôm nuôi, chủ động ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Trần Quốc Yên khuyến cáo người nuôi phải kiểm tra tôm nuôi thường xuyên, quản lý tốt môi trường, xử lý khoán chất để thích ứng với thời tiết thay đổi đột ngột. Thời tiết biến động tôm dễ bỏ ăn, vì vậy phải theo dõi thường xuyên để xử lý men vi sinh, các khoán chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm, không để xảy ra dịch bệnh. Tăng cường hệ thống quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ; bổ sung vitamin C vào môi trường nước và trộn vào thức ăn theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, để bảo vệ diện tích tôm nuôi, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến khích người nuôi thực hiện các biện pháp phòng tránh thiệt hại tôm nuôi trong mùa nắng như: Cần duy trì mực nước trong ao để tránh biến động nước sau những ngày nắng nóng; kiểm tra độ pH, vì độ pH quyết định phần lớn sức đề kháng của tôm.
Để hạn chế bệnh phát sinh và lây lan, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau khuyến cáo: Đối với những ao đầm có tôm nuôi bị bệnh, người dân cần thu gom, tiêu hủy, không vứt xác tôm bừa bãi; không xả nước các ao nuôi tôm bị bệnh ra kênh mương làm ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài; đồng thời, phải xử lý triệt để dịch bệnh trong ao nuôi bằng hóa chất Chlorine.
Đối với những ao nuôi chưa có hiện tượng bị bệnh, người nuôi nên rải vôi bột xung quanh bờ ao, lối đi, sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường ao nuôi. Đặc biệt nên hạn chế thay nước trong giai đoạn này, nếu cần thiết bổ sung nước thì nên xử lý nước qua hệ thống ao lắng bằng hóa chất Chlorine theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi cấp vào ao nuôi.