Đồng cải tạo ao nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản

Thời gian qua, sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản đã giúp bà con ở Bạc Liêu xây dựng những vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản nhằm phát huy thế mạnh kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sên vét, cải tạo ao nuôi tôm vẫn chưa được kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ, từ đó phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường.

Từ nhiều năm nay, hoạt động sên vét của người dân diễn ra tràn lan, ngoài tầm kiểm soát, có những hộ trong quá trình sên vét đổ thẳng bùn thải xuống sông rạch khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và làm mâu thuẫn giữa nội bộ người dân. Đặc biệt là giữa các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến và hộ nuôi công nghiệp. Do các hộ nuôi tôm công nghiệp thường xuyên cải tạo ao, đầm sau mỗi vụ nuôi, còn các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến thường xuyên trực tiếp lấy nước không qua ao lắng và không có điều kiện để xử lý nước. Từ đó, vấn đề ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND, Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Quy định này quy định các nội dung bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản. Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sên vét đất bùn để cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản bằng cơ giới phải báo cáo UBND cấp xã (nơi có ao đầm cần sên vét) để được xem xét, hướng dẫn bảo vệ môi trường. Trước khi thực hiện việc sên vét đất bùn, cải tạo ao đầm phải thông báo cho các hộ xung quanh khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để các hộ chủ động sản xuất và phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh…

Về điều kiện nuôi trồng thủy sản được quy định các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch; Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về thú y. Đối với việc bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, đòi hỏi các yêu cầu như: các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, các cơ sở, dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với các dự án nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh, quảng canh: Dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên, dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản quảng canh từ 50 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan chức năng thẩm định; chỉ được phép triển khai thực hiện các hoạt động nuôi trồng thủy sản khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt. Còn đối với các cơ sở, vùng nuôi bán thâm canh, thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng phải đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng theo quy định tại Mục 2.2 của QCVN 02-19: 2014/BNNPTNT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ – Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản, cụ thể: Phải có ao chứa (lắng), ao xử lý nước thải, khu chứa nguyên vật liệu, nhà vệ sinh tự hoại… Đối với dự án, cơ sở nuôi còn lại: Dự án nuôi trồng thủy sản thâm canh hoặc bán thâm canh có diện tích mặt nước nhỏ hơn 10 ha, các dự án nuôi quảng canh có diện tích nhỏ hơn 50 ha thì phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cấp có thẩm quyền xác nhận. Đồng thời, các cơ sở nuôi còn lại khuyến khích lập kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cấp có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật.  Khuyến khích các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản theo dõi các chỉ tiêu về chất lượng nguồn nước được nêu trên, để đảm bảo chất lượng nguồn nước đạt yêu cầu phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Về điều kiện để được sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm thì cần phải có bố trí khu chứa bùn thải và các chất thải khác phù hợp, đảm bảo chứa đủ lượng bùn thải, chất thải khác của quá trình sên, vét và giữ nước được lắng trong trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; có công cụ sên, vét phù hợp với phương pháp sên, vét. Hoạt động thả giống phải đảm bảo đúng lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo, việc lấy nước vào ao nuôi và xả nước thải phải phù hợp với lịch điều tiết nước của khu vực và quy định của pháp luật về xả nước thải. Đồng thời, các chất thải trong nuôi trồng thủy sản phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận, kết hợp nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững.

Quy định về quản lý và thời gian sên, vét cải tạo ao đầm trong nuôi tôm có nhiều điểm mới hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn so với các quyết định ban hành trước đây nên người dân rất đồng tình. Trong Quyết định có nêu rõ chỉ hộ nào có diện tích bao ví để chức bùn, nước trong quá trình sên vét mới được tiến hành sên vét, không được thải ra sông rạch. Tuy nhiên, đến nay hoạt động về sên vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa được kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ của ngành chức năng và cấp chính quyền, khiến môi trường bị ô nhiễm, hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn. Thực tế hiện nay, người dân sên, vét ao đầm xả thải trực tiếp ra sông rạch diễn ra thường xuyên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân có diện tích đất sản xuất nhỏ nên họ tận dụng tối đa diện tích để làm ao nuôi tôm, không có ao chứa chất thải để xử lý; một bộ phận người dân ý thức chưa cao, bơm bùn đất và xả chất thải ra sông rạch hoặc diện tích khu bao chứa bùn thải nhỏ, rò rỉ ra bên ngoài là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước, góp phần tạo ra dịch bệnh làm tôm nuôi chết kéo dài… Trong khi đó, công tác kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí còn thiếu, lực lượng kiểm tra chủ yếu là kiêm nhiệm…

Ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nhức nhối hiện nay, để góp phần bảo vệ môi trường nước, hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả cho người nuôi tôm thì vấn đề ý thức tuân thủ quy định của người nuôi trong hoạt động sên vét, cải tạo ao nuôi là vô cùng quan trọng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm cho các vụ nuôi thành công.

Thanh Thủy

Theo: TCTS

Nguồn: Thuysanvietnam.com

Thông tin liên hệ: 09.333.333.61 hoặc truy cập qua facebook: Sinh học tôm vàng để biết thêm thông tin.

Tag:  

Tư vấn hợp tác chuyển giao công nghệ liên hệ: 09.333.333.61 Quy trình nuôi tôm công nghệ cao SINH HỌC TÔM VÀNG tư vấn thiết kế và xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả và tỉ lệ thành công 90% trọn vẹn niềm tin.

Sinh Học Tôm Vàng