Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 2.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh; trong đó, huyện Đầm Dơi chiếm 40%, tương đương khoảng 800 ha. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Đầm Dơi lớn nhất so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng nhiều người nuôi tôm chưa tuân thủ tốt các quy định về bố trí hệ thống xử lý chất thải, nước thải, nên chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho biết: Thời gian qua, huyện đã thành lập nhiều tổ kiểm tra về điều kiện nuôi tôm siêu thâm canh, thường xuyên đến tận nơi nhắc nhở, tuyên truyền, lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm. Tính đến nay, đã xử lý 61 vụ vi phạm về môi trường, trong khi toàn tỉnh chỉ xử lý 63 vụ vi phạm về điều kiện này.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đầm Dơi có khoảng 60% hộ nuôi đủ điều kiện, còn lại khoảng 30% hộ nuôi thiếu điều kiện, 10% hộ nuôi không đủ điều kiện. Những hộ thiếu và không đủ điều kiện chủ yếu là do đã xây dựng ao đầm trước khi có quy định về điều kiện nuôi và có diện tích nhỏ nên việc khắc phục còn khó khăn.

Là loại hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi đang chuyển dần từ nuôi tôm ao đất sang nuôi tôm siêu thâm canh, điều này càng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho địa phương trong việc quản lý, kiểm soát môi trường, đó là chưa kể đến các trường hợp nuôi tôm tự phát nằm ngoài quy hoạch.
Trước tình hình đó, để hạn chế thấp nhất việc xả thải gây ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ kiểm tra tăng cường kiểm tra, xử lý. Đối với những hộ diện tích nhỏ không thể khắc phục hoặc những hộ nuôi tôm ngoài quy hoạch, các ngành chức năng sẽ vận động, tuyên truyền, yêu cầu người nuôi chuyển sang loại hình nuôi khác, phù hợp hơn, nếu không chấp hành sẽ phối hợp với ngành có liên quan xử lý đúng theo quy định – Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho biết.