Càng gần Tết Nguyên đán, tôm nguyên liệu tăng giá liên tục đã tạo nên khí thế phấn khởi cho người nuôi tôm tại Cà Mau nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Đến nay, từ nghề nuôi đã thu hoạch đạt trên 160 ngàn tấn tôm và con số này sẽ tăng, do lượng xuất khẩu đang tăng mạnh.
Hiện, Cà Mau thu về kim ngạch xuất khẩu từ con tôm đạt hơn 1 tỷ USD. Đã có trên 2.000ha chuyển sang hình thức nuôi tôm siêu thâm canh (STC) trong gần 10.000ha nuôi tôm công nghiệp của tỉnh – đây là hình thức nuôi siêu lợi nhuận, đóng góp khá lớn vào sản lượng tôm nuôi của tỉnh.
Nhiều hình thức nuôi tôm tiên tiến ra đời, cùng với việc tăng cường trong kiểm tra, sản xuất giống có chất lượng tại địa phương đã tạo thêm thuận lợi cho nghề nuôi. Hầu khắp các nơi trong tỉnh đều có nuôi tôm theo hình thức phù hợp. Các địa phương sâu trong nội đồng: U Minh, Thới Bình, Cái Nước trước đây chỉ nuôi tôm theo hình thức quảng canh, lúa – tôm thì nay cũng đã chuyển dần một phần diện tích sang nuôi thâm canh, STC. Các địa phương ven biển: Đầm Dơi, Phú Tân thì hình thức nuôi STC đang phát triển khá mạnh. Các địa phương vùng rừng ngập thì đang phát triển diện tích nuôi tôm – rừng đạt chứng nhận quốc tế…
Những vùng nuôi thâm canh, STC được tổ chức chuyên nghiệp hơn, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo đầu mối cũng như kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra trong suốt quá trình sản xuất, tạo thành chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Vùng nuôi tập trung thì có sự vào cuộc của các công ty lớn tham gia với quy mô đang ngày càng mở rộng, kể cả nuôi trong nhà kính. Tỉnh cũng đã quy hoạch Khu nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng trên 400ha tại Năm Căn…
Nghề nuôi tôm tại Cà Mau đang phát triển khá nhanh, luôn giữ vị trí ngôi đầu về diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu và sẽ tiếp tục tiến lên tầm cao mới trong thời gian tới, xứng đáng là thủ phủ của con tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam.