Skretting Vietnam: Đồng hành cùng bà con trong mùa mưa bão
Mùa vụ nuôi tôm đang bước vào những tháng cuối năm 2019, là khoảng thời gian mà các tỉnh từ khu vực miền Bắc trải dài đến các tỉnh miền Tây của nước ta phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của mùa mưa bão; trong đó NTTS sẽ là một trong những ngành bị tổn thất nặng nề nhất. Do đó, công tác phòng chống, khắc phục trước và sau bão luôn là những yếu tố đặt lên hàng đầu trong thời điểm này.
Trong giai đoạn này, ao nuôi cần phải được chèn, chống tránh trường hợp bị bung bạt đáy. Các dụng cụ như máy móc, giàn quạt, hệ thống ôxy trên bờ được gom dọn và cần đặt ở những nơi khô ráo an toàn, tránh tình trạng hư hỏng và thất thoát.
Những ao còn tôm, cần tháo bớt nước tránh trường hợp mưa lớn, nước dâng ngập tràn bờ, tránh trường hợp bị sạt lở và lây nhiễm bệnh từ ao này sang các ao khác trong trại nuôi. Nhiệt độ trong thời gian này sẽ giảm xuống, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm; một số dịch bệnh sẽ dễ dàng bùng phát như bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính… Người dân nuôi tôm cần phải quan sát và kiểm tra tôm một cách thường xuyên, nếu tôm có hiện tượng bơi lội lờ đờ, trên mặt nước hoặc dạt vào bờ ao; tôm đột ngột tăng cường độ bắt mồi, sau đó bỏ ăn. Bên trong vỏ tôm, đặc biệt ở phần giáp đầu ngực có nhiều đốm tròn màu trắng, đường kính 0,5 – 2 mm. Có thể thấy các đốm này ở đốt bụng thứ 5 và 6 hoặc khi đã bệnh nặng trên toàn thân tôm; trong một số trường hợp, tôm có thể bị đỏ thân. Sau khi các đốm trắng xuất hiện từ 3 – 10 ngày, tôm bắt đầu chết; tỷ lệ chết lên đến 100%, không thể chữa trị. Khi phát hiện cần tổ chức thu hoạch càng sớm càng tốt.
Một số triệu chứng khác như đường ruột rỗng hoặc đứt đoạn, gan tụy teo nhỏ (1/3 so bình thường) và bị chai, khó bóp nát. Tôm mới bị bệnh, gan tụy sưng to, biến đổi màu, màu sắc khối gan tụy nhợt nhạt hoặc trắng. Vỏ mềm. Tôm bị bệnh chết chìm dưới đáy ao. Khi phát hiện bệnh cần dừng cho ăn, thay nước và diệt khuẩn. Bỏ đói tôm từ 3 – 4 ngày, sau đó cho ăn lại với khẩu phần ăn giảm 50% so mức thông thường. Trộn vào thức ăn các hoạt chất tự nhiên có khả năng diệt khuẩn hoặc acid hữu cơ.
Ao nuôi sau mưa bão, cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước vụ mùa nuôi và thả tôm. Không nên rút ngắn thời gian hoặc thay đổi trình tự thực hiện các công đoạn. Nếu ao nuôi chưa cải tạo xong, người nuôi không nên thả tôm giống.
Bà con nuôi tôm tiến hành thực hiện giai đoạn cải tạo ao với các bước như sau:
• Rửa đáy áo: Sau mỗi vụ nuôi cần rửa đáy ao, bơm bùn sang ao chứa bùn để phơi khô và đổ bỏ. Không nên bơm hay đổ bùn lên bờ ao vì nước mưa có thể đem các chất thải trở lại ao nuôi. Thực hiện việc rửa, xả vài lần cho đến khi sạch hẳn thì tiến hành phơi đáy ao.
• Cày và phơi đáy tối thiểu 10 ngày liên tục hoặc đến khi đất nứt chân chim. Biện pháp kỹ thuật này giúp tiêu diệt mầm bệnh, giải phóng khí độc tích tụ trong nền đáy, phân hủy hoàn toàn các chất thải; thuận lợi cho việc gây màu nước, phát triển nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Với những ao không thể bơm cạn nước hoặc được cải tạo trong mùa mưa thì có thể dùng các chế phẩm sinh học có khả năng diệt khuẩn, phân hủy tốt chất thải để xử lý. Lưu ý, cần chạy quạt nước liên tục trong quá trình xử lý bằng vi sinh.
• Ngâm xả: Áp dụng cho các ao bị nhiễm phèn hoặc có tôm bị bệnh trong vụ nuôi. Với ao có nền đất bị nhiễm phèn, rải vôi nóng (CaO) đều trên nền đáy, rồi lấy 40 – 50 cm nước để ngâm từ 2 – 3 ngày rồi xả bỏ. Trong trường hợp ao nuôi đã bị nhiễm vi bào tử trùng EHP, lượng vôi cần dùng là 6 tấn/ha. Nếu ao đã bị nhiễm bệnh trong vụ trước, có thể phối hợp xử lý thêm bằng các chất diệt khuẩn sau khi lấy nước.
Lặp lại chu kỳ này từ 2 – 3 lần. Để đảm bảo hiệu quả, có thể nhờ cán bộ kỹ thuật kiểm tra lại pH đất hoặc mật độ vi khuẩn Vibrio.
• Bón vôi: Tùy thuộc vào độ pH của nền đất mà bón từ 1 – 3 tấn/ha để tăng cường hệ đệm, giúp ổn định độ pH trong quá trình nuôi. Loại vôi sử dụng nên là vôi đá hoặc vôi nông nghiệp. Nên chọn mua vôi của nhà cung cấp uy tín, có độ mịn cao (100% lọt rây lọc cỡ 60), độ ẩm thấp và không lẫn tạp chất. Để đảm bảo tác dụng, vôi phải được rải đều khắp mặt đáy ao.
• Vệ sinh và lắp đặt các dàn quạt nước, kiểm tra hoạt động: Nếu nuôi với mật độ trên 60 con/m2 công suất của toàn bộ hệ thống quạt nước cần ở mức >3 CV/1.000 m2 hoặc 36 CV/ha. Tốc độ vòng quay cánh quạt lý tưởng là 100 – 120 vòng/phút.
Mưa và bão lớn mang nhiều thiệt hại đến cho bà con nuôi tôm trong những tháng cuối năm nhưng đó cũng là điểm thuận lợi khi mưa giúp rửa trôi các chất thải, sau khi lũ đi qua, môi trường nước trên đầm phá trở nên sạch hơn và dần dần quay trở lại trạng thái mặn – lợ vốn có của nó, đó là những thuận lợi từ thiên nhiên mang đến cho bà con nuôi tôm. Skretting Vietnam hy vọng bà con nuôi tôm sẽ vượt qua những khó khăn, khắc phục sự cố nhanh chóng, ổn định tinh thần để sẵn sàng cho một vụ nuôi mới may mắn và thành công hơn.
Anh Vũ (Tổng hợp)
Nguồn: Thuysanvietnam
Thông tin liên hệ: 09.333.333.61 hoặc truy cập qua facebook: Sinh học tôm vàng để biết thêm thông tin.
Tư vấn hợp tác chuyển giao công nghệ liên hệ: 09.333.333.61 Quy trình nuôi tôm công nghệ cao SINH HỌC TÔM VÀNG tư vấn thiết kế và xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả và tỉ lệ thành công 90% trọn vẹn niềm tin.
Sinh Học Tôm Vàng