Cần Đước giảm 50% diện tích nuôi tôm
Theo báo cáo của Phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Cần Đước đến đầu năm 2019 toàn huyện có 800 hecta đất nuôi tôm, giảm 50% diện tích so với những năm trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do trên địa bàn huyện phát triển các khu cụm công nghiệp, môi trường nước ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh, chi phí đầu tư nuôi tôm cao, nông dân chuyển đổi sang các cây trồng vật nuôi khác.
Tuy diện tích nuôi tôm giảm nhưng sản lượng tôm hàng năm ổn định, do Cần Đước tập trung triển khai nhiều dự án nạo vét hệ thống kê rạch, đảm bảo cung cấp nước nuôi tôm, ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát con giống, nông dân mạnh dạn nuôi tôm theo mô hình công nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất.
Cà Mau: Cảnh báo phòng bệnh tôm nuôi
Với tình hình thời tiết như hiện nay nắng nóng kết hợp với mưa trái mùa đan xen nên những ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh thường có hiện tượng tôm bị cong thân, đục cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau khuyến cáo bà con một số giải pháp phòng tránh tình trạng này.
Bệnh cong thân, đục cơ này do nhiều nguyên nhân gây ra, dấu hiệu để nhận biết bệnh là phần mô cơ chạy dọc cơ thể có màu trắng đục kèm theo đó là thân bị cong. Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn tôm nuôi từ 10-20 ngày tuổi trở lên.
Bà con không thả tôm nuôi với mật độ quá dày; Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để bổ xung một số chất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi; Cung cấp các chất khoáng cần thiết trong suốt quá trình nuôi; Sử dụng vôi canxi hoặc dolomite vào ban đêm từ 8 – 9 giờ tối để ổn định độ kiềm trong ao nuôi; Tăng cường quạt nước và hệ thống ôxy đáy đảm bảo lượng oxy tối thiểu từ 4 mg/lít trở lên. Đồng thời, bà con cần duy trì màu nước và thường xuyên kiểm tra các yếu tố như: canxi, magiê, natri, kali… để cung cấp đầy đủ trong suốt quá trình nuôi.
Tánh Linh (Bình Thuận): Hướng đến nuôi cá thát lát công nghiệp
Gia An là xã có diện tích mặt nước ngọt lớn nhất trên địa bàn huyện Tánh Linh, với diện tích hồ Biển Lạc hơn 1.000 ha, diện tích các ao, bàu hơn 100 ha rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt nhất là cá thát lát.
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cùng với Trạm Khuyến nông Tánh Linh tiếp tục phối hợp với UBND xã Gia An thực hiện mô hình phát triển nghề nuôi cá thát lát theo hướng an toàn sinh học (ATSH) kết hợp với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển thương hiệu chả cá thát lát Biển Lạc Tánh Linh. Việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt hướng cho bà con tích cực nuôi thủy sản để hạn chế tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản, trong quá trình nuôi không sử dụng các loại hóa chất cấm, không sử dụng kháng sinh mà chỉ sử dụng các loại hóa chất an toàn cho cá nuôi và con người như vôi bột, muối, tỏi xay nhuyễn, cây lá xoan… để hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng, góp phần ổn định đầu ra của sản phẩm, đem lại kinh tế cao.
Mô hình “Nuôi cá thát lát cườm an toàn sinh học bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ” được thực hiện trên địa bàn Gia An với quy mô 150 m3và 1.000 m2 nuôi ao đất với số lượng giống 19.250 con, tổng số hộ có kinh nghiệm tham gia nuôi là 6 hộ. Bên cạnh đó, việc kết hợp và kêu gọi doanh nghiệp thu mua cá thương phẩm tạo nên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bước đầu được thực hiện một cách thuận lợi, tạo điều kiện cho các hộ nuôi không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Cá thát lát là loài cá nuôi nước ngọt có thể phát triển ở các hình thức nuôi như lồng bè, nuôi ao và là một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Đặc biệt là thương hiệu chả cá thát lát Tánh Linh được nhiều người biết đến như là một đặc sản của vùng. Liên kết được với doanh nghiệp thu mua tại địa phương đã giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm.