ĐBSCL là vùng trọng điểm SX tôm nước lợ của cả nước, tương ứng chiếm trên 90% diện tích và 80% sản lượng. Riêng Sóc Trăng, tôm sú chủ yếu được nuôi bán thâm canh 60%, tôm – lúa 36% và thâm canh 4%. Tại tỉnh Bạc Liêu, tôm sú được nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh 11%, quảng canh cải tiến chuyên tôm 0,5%, mô hình tôm – lúa 28%, mô hình tôm kết hợp cua – cá 66%.
Ưu điểm của tôm thẻ chân trắng là thức ăn hàm lượng protein thấp, chu kỳ nuôi ngắn so với tôm sú, có thể nuôi thâm canh và siêu thâm canh; bán phổ biến trên thị trường, phù hợp với đa số người dùng.
Tôm sú có ưu thế là ít cạnh tranh, kích cỡ lớn, mùi vị giống tôm hùm nên dành cho thị trường cao cấp. Tôm sú nuôi chủ yếu bằng hình thức quảng canh, luân canh tôm – lúa hoặc tôm kết hợp rừng ngập mặn, chi phí đầu tư thấp.
Ông Koen Etienne M.Duchateau – Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Châu Âu đánh giá cao mô hình SX lúa – tôm hữu cơ của HTX Hòa Đê cũng như tình hình SX lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên.
Theo đó, Liên minh Châu Âu có dự án hỗ trợ làm chuỗi giá trị tôm cho một số HTX tại Việt Nam, trong đó có Sóc Trăng nhằm tạo ra sản phẩm tôm sạch đưa vào thị trường Châu Âu. Với lúa hữu cơ, Châu Âu là thị trường tiềm năng và người tiêu dùng sẽ chấp nhận mua gạo giá cao. Vì vậy, người dân nên SX theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ do thị trường Châu Âu yêu cầu.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng mong muốn Liên minh Châu Âu kêu gọi các viện, trường nghiên cứu hỗ trợ cho Việt Nam phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ cũng như tiếp tục hỗ trợ SX chuỗi giá trị bềnvững nhằm cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn Châu Âu, góp phần tăng thu nhập cho người dân.