Ông Nguyễn Văn Sánh (xã Tân Chánh) áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp cho biết: “Nuôi tôm theo hướng công nghiệp phải chuẩn bị ao nuôi đúng kỹ thuật, toàn bộ bờ ao được nện chặt, lót bạt và phải có ao lắng để xử lý nước trước khi cấp nước vào ao nuôi, tôm giống thả nuôi với mật độ hơn 100 con/m2, ao nuôi phải được lắp dàn quạt mặt nước, thiết bị tạo oxy,… bình quân chi phí đầu tư cho mỗi hécta khoảng 1,5 tỉ đồng. Nuôi tôm theo hướng công nghiệp năng suất trên 15 tấn/ha, mỗi năm, nông dân có thể nuôi 3 vụ. Chi phí đầu tư cao nhưng mỗi vụ, nông dân có thể lãi vài trăm triệu đồng/ha. Hiện tại, xã Tân Chánh thành lập Tổ hợp tác Nuôi tôm ở ấp Hóa Quới và Hợp tác xã Nuôi tôm Tân Chánh tập hợp những thành viên có đủ điều kiện về vốn áp dụng mô hình này.
Anh Nguyễn Văn Thật, Tổ hợp tác Nuôi tôm Hòa Quới, chia sẻ: “Ngoài nguồn vốn đầu tư cho ao đầm, con giống, thức ăn,… thì hạ tầng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là điện phục vụ sản xuất. Hiện tại, nông dân sử dụng điện sinh hoạt để chạy các thiết bị nuôi tôm với giá cao. Nuôi tôm theo hướng công nghiệp, mỗi hécta sử dụng khoảng 40 dàn quạt mặt nước (chưa kể máy tạo oxy, máy xy phong đáy). Để bảo đảm nguồn điện phục vụ nuôi tôm, mỗi hécta phải lắp 1 máy biến thế 15-25 KVA, chi phí trên 150 triệu đồng (chưa kể đường dây dẫn đến khu vực sản xuất) đây cũng là trở ngại rất lớn cho nông dân.
Một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp là hệ thống giao thông, kênh, mương nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Để thi công ao đầm nuôi tôm, phải sử dụng máy chuyên dùng nhưng đường giao thông nhỏ, hẹp, không thể đưa các phương tiện vào thi công; kênh, mương lại bị bồi lắng không đáp ứng yêu cầu cấp thoát nước nuôi tôm. Trước đây, nông dân nuôi tôm theo phương pháp quảng canh cải tiến đã tận dụng đối đa diện tích mặt nước để nuôi, hầu hết các ao nuôi đều không có ao lắng, đó là chưa kể đến đặc trưng của vùng nông thôn Cần Đước hiện nay là diện tích đất sản xuất của mỗi hộ rất ít nên việc xây dựng ao lắng theo quy trình nuôi tôm công nghiệp rất khó khăn,… Mặc dù nông dân hiểu rất rõ hiệu quả nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao nhưng vì những lý do trên nên nhiều người vẫn chưa thực hiện được.
Nghị quyết Ðại hội Đảng bộ huyện Cần Đước nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra Chương trình Phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững, con tôm được xác định là vật nuôi chủ lực của các xã vùng ngập mặn. Thực hiện nghị quyết Huyện ủy, ngành nông nghiệp huyện tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi hình thức nuôi tôm, tăng cường chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, đồng thời khảo sát, quy hoạch các vùng nuôi theo địa bàn các ấp, khu vực,… vận động người dân tham gia mở rộng hệ thống giao thông nông thôn, đầu tư điện hạ thế phục vụ sản xuất, hướng dẫn nông dân tham gia các tổ hợp tác, xây dựng dự án vay vốn, từng bước chuyển đổi mô hình nuôi tôm, tránh tình trạng nôn nóng, đầu tư không hiệu quả, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến chủ trương chung trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững.