Ông Phạm Phú Hùng, PGĐ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An cho biết, đây là mô hình được nhiều người nuôi tôm áp dụng, tùy điều kiện có thể xây dựng “ao nổi” trong nhà lưới với diện tích khoảng 100 – 150 m2 (ương tôm giống khoảng 20 ngày); hoặc chuẩn bị ao đất khoảng 500 – 1.000 m2 (ương tôm giống khoảng 30 – 40 ngày). Sau đó chọn lọc, loại bỏ tôm còi và đưa sang ao nuôi thương phẩm.
Thành công theo mô hình này, phải kể đến ông Nguyễn Văn Năm, ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước. Giai đoạn 1 ông ương tôm giống bể nổi 300 m2 trong 15 ngày sau đó chuyển sang ao nuôi cấp 1. Giai đoạn 2 tôm ương trong ao lót bạt 800 m2 trong 20 ngày, sau đó chuyển sang ao nuôi cấp 2. Kết quả thu lãi 300 triệu đồng/3.000 m2.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, GĐ HTX tôm Đông Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc cho biết, ưu điểm của mô hình này là chủ động được mật độ nuôi, chọn lọc được giống tốt, rút ngắn thời gian nuôi và giảm thiểu ô nhiễm. Ngoài ra có thể nuôi tôm ở mật độ khoảng 100 con/m2, tùy giá cả thị trường có thể tiến hành thu tỉa 50% lượng tôm ở giai đoạn 75 – 80 ngày để tiêu thụ nội địa. Sau đó tiếp tục nuôi số còn lại đạt size lớn phục vụ xuất khẩu.
Ông Phạm Phú Hùng khuyến cáo chỉ nuôi 1 – 2 vụ/năm sau đó luân canh nhằm tái tạo chất lượng môi trường ao nuôi, loại bỏ mầm bệnh của vụ trước để hạn chế dịch bệnh.
Trước đây, bà con thường luân canh vụ tôm – vụ lúa. Hiện nhiều hộ luân canh vụ tôm – vụ cá (cá dứa, cá đối, cá đối mục). Ngoài ra, ương cá tra giống luân canh với nuôi tôm cũng góp phần cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất…