Cần quyết liệt hơn trong quản lý tôm giống

Tăng cường quản lý, kiểm soát con giống luôn đặt ra cấp thiết, bởi đây là nhân tố then chốt quyết định đến chất lượng và thành công của mỗi vụ nuôi Tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Năm 2018, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước khoảng 720.000 ha

Bất cập

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước khoảng 720.000 ha (chủ yếu TTCT và tôm sú), sản lượng thu hoạch khoảng 745.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 3,6 tỷ USD; nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con (trong đó khoảng 100 tỷ giống TTCT và 30 tỷ tôm sú), số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con (trong đó, 200.000 TTCT và 50.000 tôm sú). Năm 2018, cả nước có gần 2.460 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản lượng tôm giống sản xuất khoảng 120 tỷ con; khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung bộ, hàng năm các cơ sở này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước…

Như tại Phú Yên, năm 2018, sản xuất khoảng 1.635 triệu giống thủy sản các loại, trong đó tôm nước lợ 1.515 triệu con; một số cơ sở hoạt động có hiệu quả như Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Công ty TNHH Canavet… Trong năm 2018, các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các địa phương kiểm tra 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, kết quả đánh giá phân loại 21 cơ sở thì có 6 cơ sở đạt loại A và 15 cơ sở đạt loại B. Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất 9 hộ kinh doanh, mua bán tôm hùm giống. Qua kiểm tra hầu hết các hộ này không có đăng ký kinh doanh, 6/9 hộ được kiểm tra không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm dịch, phiếu xét nghiệm đối với số tôm hùm giống.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận chia sẻ, hiện, trên địa bàn tỉnh có 3 khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam, với hơn 480 cơ sở sản xuất, tổng công suất bể ương nuôi khoảng 150.000 m3… Hàng năm, trên địa bàn tỉnh sản xuất khoảng 30 – 35 tỷ tôm giống, đáp ứng 30 – 40% nhu cầu tôm giống cả nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân trốn tránh việc kiểm dịch giống thủy sản khi xuất đi ngoài tỉnh…

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, một số hạn chế hiện nay trong sản xuất giống thủy sản ở nước ta là kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc. Vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Ngoài các địa phương đã tham gia ký Quy chế phối hợp, thì công tác chia sẻ thông tin giữa các địa phương khác chưa được tốt. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý chung về NTTS nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch là bao nhiêu, nguồn gốc từ đâu, gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý…

Lấp dần những “kẽ hở”

Ông Dương Văn Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, đến nay, 100% tôm bố mẹ nhập khẩu về Việt Nam đều được kiểm dịch. Đối với tôm giống ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để cho sinh sản, tôm bố mẹ do các cơ sở mua bán với nhau… thì đa số trốn kiểm dịch. Một vấn đề khác đó là theo quy định thì tôm giống được sản xuất và bán ra thị trường nội địa (trong tỉnh) thì không phải kiểm dịch, chính vấn đề này cũng là kẽ hở để các cơ sở làm ăn gian dối, sản xuất giống kém chất lượng hoạt động. Địa phương cần tăng cường kiểm tra và đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không đủ điều kiện hoặc mua bán tôm giống bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất sứ. Đối với vấn đề các địa phương phản ánh không nắm được số lượng tôm hùm giống nhập về địa phương mình thì sắp tới Cục Thú y sẽ phối hợp với địa phương tốt hơn để cung cấp từng lô tôm giống đã được kiểm dịch và số lượng từng lô tôm đi về địa phương nào để công tác quản lý của địa phương chặt chẽ hơn.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, kế hoạch năm 2019, diện tích nuôi tôm nước lợ nước ta khoảng 725.000 ha. Để thực hiện thành công kế hoạch này, các ngành và địa phương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất và chất lượng tôm giống. Tổng cục Thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nuôi tôm thương phẩm.


>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Cần phải quản lý chặt nguồn cung ứng tôm giống và chủ động tránh lệ thuộc vào nhập khẩu. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, chọn tạo theo hướng sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh.

Ngọc Chung

Nguồn: Thuysanvietnam

Thông tin liên hệ: 09.333.333.61 hoặc truy cập qua facebook: Sinh học tôm vàng để biết thêm thông tin.

Tag:  

Tư vấn hợp tác chuyển giao công nghệ liên hệ: 09.333.333.61 Quy trình nuôi tôm công nghệ cao SINH HỌC TÔM VÀNG tư vấn thiết kế và xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả và tỉ lệ thành công 90% trọn vẹn niềm tin.

Sinh Học Tôm Vàng