Cụ thể, nhiệt độ nước phục vụ nuôi tôm tại 4 huyện đo được dao động từ 30,0-32,2oC, nằm trong ngưỡng cho phép. Đối với chỉ số về Độ mặn: tại Vĩnh Châu 9-13‰ (ổn định so với tuần trước và tương đương cùng kỳ năm 2018), tại Mỹ Xuyên 7-12‰ (giảm 2-4‰ so với tuần trước và thấp hơn 2-7‰ so cùng kỳ 2018), tại Trần Đề 8-10‰ (giảm 1-2‰ so với tuần trước và thấp hơn 3-4‰ so cùng kỳ 2018), tại Cù Lao Dung độ mặn 6-9‰ (tăng 3‰ tại Vàm Ông Tám và cao hơn 3‰ so với cùng kỳ 2018). Theo kết quả đo được, hầu hết các điểm lấy mẫu tại 04 huyện nói trên đều có độ pH, độ Kiềm nằm trong ngưỡng cho phép: Đối với độ pH chỉ số đo được dao động trong khoảng (7,0-8,0) và độ kiềm dao động từ 68-125 mg/l. Độ trong: Đa số các điểm thu mẫu có độ trong thấp 5-18cm. Thấp nhất là ở khu vực 3 cống Trần Đề độ trong 5cm. Riêng chỉ số về Oxy hòa tan tại một số điểm của Khu vực Vĩnh Châu (Cầu Trà Niên, Đầu Vàm Trà Niên, Kênh Vĩnh Châu) và khu vực Mỹ Xuyên có hàm lượng oxy thấp từ 1,3-3,0 mg/l. Các điểm còn lại oxy trong ngưỡng từ 3,5-4,7 mg/l.
Theo bản tin khí tượng, thủy văn và dự báo trong tháng 5, khu vực tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng chủ yếu của rìa đông nam của áp thấp nóng phía Tây. Riêng tuần giữa và cuối tháng 5, chịu ảnh hưởng kết hợp với trục rãnh thấp xích đạo hoạt động mạnh, gió tây nam xuất hiện và hoạt động mạnh dần lên. Do vậy trong tuần đầu các nơi trong tỉnh Sóc Trăng vẫn còn ít mưa, ngày nắng (có ngày nắng nóng), chiều tối có mưa rào nhẹ vài nơi. Sau đó mưa tăng dần cả về diện và lượng, mùa mưa sẽ bắt đầu vào khoảng nửa đầu tuần giữa tháng 05. Trong những trận mưa đầu mùa có thể xuất hiện những cơn mưa to đến rất to kèm theo dông mạnh và sét đánh. Cần chú ý để phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong giai đoạn này.
Trong tháng 5 này, có khoảng 20 – 25 ngày có mưa với tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình năm ngoái cùng thời kỳ, lượng nước bốc hơi và số giờ nắng ở mức xấp xỉ so với Trung bình năm ngoái cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tháng: 150.0 – 250.0mm, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn 1 ít so với TBNN cùng thời kỳ. Lượng bốc hơi: 75 – 80 mm, tổng số giờ nắng: 180 – 200 giờ, Độ ẩm trung bình: 80 – 84%. Nhiệt độ trung bình: 27.0 – 28.0oC, cao nhất 35.5 – 36.0oC, thấp nhất 23.0 – 25.0oC;
Một số khuyến cáo đối với người nuôi tôm
Trong tuần đầu của tháng 5, độ mặn giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn nằm trong ngưỡng thích hợp để lấy nước nuôi tôm (6-13‰). Hiện tại ở một số nơi trên địa bàn tỉnh đã có mưa, thời tiết dịu lại và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm thấp lại nên người nuôi có thể chuẩn bị để thả tôm. Tuy nhiên, ở những khu vực còn nắng nóng gay gắt kéo dài thì nên thả tôm chậm lại để chờ đợi môi trường thời tiết dịu lại rồi mới thả tôm, xem và cải tạo môi trường.
Người nuôi nên cho tôm ăn ít và vừa đủ khoảng 80% lượng thức ăn theo khuyến cáo trong 45 ngày đầu và thường xuyên theo dõi nhiệt độ nước trong ao, nếu nhiệt độ nước >32oC hoặc những ngày nắng nóng và mưa dầm đột ngột nên giảm mạnh lượng thức ăn hoặc cắt cử ăn vì nhiệt độ cao thì hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm kém lại, tôm ăn nhiều và lượng thức ăn thải ra phân cũng nhiều làm dư thừa thức ăn, làm dơ nước tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
Bên cạnh đó, người nuôi nên tranh thủ nắng nóng để cải tạo ao đầm, xử lý nước nếu thấy không ổn định nên thiết kế lại ao nuôi tốt nhất là hình tròn, hình vuông với diện tích nhỏ lại từ 1.500-2.000m2. Khuyến khích các hình thức nuôi lót bạt 2 giai đoạn, nuôi ao đất có hố xiphon, thực hiện ương vèo giống từ 10-25 ngày để đạt cở lớn khi thả giống ra ao nhằm giúp tôm khỏe hơn, tăng sức đề kháng và giảm tỉ lệ hao hụt trong thời tiết cực đoan. Khi thả giống nên thả cách khoảng 15-20 ngày thả 1 ao và nên thả thăm dò một phần diện tích với mật độ thích hợp, thẻ 30-80 con/m2 (100-200 con/m2 đối với ao lót bạt đáy/02 giai đoạn), sú 10-15 con/m2 , QCCT <10 con/m2. Nắm bắt thời tiết môi trường, thời tiết khi thuận lợi sẽ thả tiếp.
Đối với hộ chuẩn bị thả giống khi lựa chọn con giống phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đạt chất lượng và phải qua kiểm dịch ít nhất 3 mầm bệnh nguy hiểm như đốm trắng (WSSV), gan tụy cấp (AHPND), bệnh tôm chậm lớn (vi bào tử trùng-EHP)…và phải thuần hóa thật kỹ sao cho cân bằng với nước ao nuôi 04 yếu tố đó là nhiệt độ, pH, độ mặn và độ kiềm trước khi thả tôm.
Phòng ngừa và điều trị về bệnh hoại tử gan tụy
Đối với diện tích thiệt hại hoặc cải tạo sau khi thu hoạch, bà con nuôi tôm tuyệt đối không xả thải nước thải, bùn thải khi chưa được xử lý ra môi trường tự nhiên bên ngoài, mà phải có khu chứa bùn thải và xử lý nước thải theo quy định. Hạn chế tối đa sử dụng thuốc kháng sinh để phòng-trị bệnh trên tôm nuôi và tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất kháng sinh cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản.