Dự kiến từ tháng 5 – 7 sẽ họp thống nhất đề xuất mục tiêu, cơ quan bảo hộ, cơ quan tư vấn kỹ thuật; chuẩn bị điều lệ, vai trò của các bên, xúc tiến thỏa thuận hợp tác với đối tác; thực thi thỏa thuận, mở rộng thành viên.
Xung quanh ý tưởng của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) về thành lập Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam, trong đó chọn tỉnh Cà Mau làm thí điểm, các “ông chủ lớn” của ngành tôm Cà Mau: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Việt Úc, Công ty CP, Công ty CP Thủy sản N.G Việt Nam, các hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp hiệu quả trong tỉnh… đã có tiếng nói chung và đồng thuận liên minh, nhất trí cao phương án tỉnh Cà Mau sẽ tham gia thí điểm tiếp cận mô hình theo tiêu chuẩn của Tổ chức Seafood Watch, lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng… tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn; vì mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm.
Xu hướng tôm sạch là tất yếu
Việc thành lập Liên minh Tôm sạch và Bền vững được đánh giá là một trong những xu thế tất yếu trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức về việc tìm kiếm thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về những sản phẩm tôm sạch, thân thiện với môi trường.
Sau khi tham quan mô hình nuôi tôm bền vững của Ecuador, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Châu Công Bằng cứ mãi trăn trở: “So với Cà Mau cũng như nước ta, tiềm năng và lợi thế nuôi trồng và chế biến thủy sản của nước bạn không bằng, nhưng họ lại có sự bứt phá và phát triển vượt bậc. Chúng ta đồng tình rằng, tới đây, xu hướng tôm sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi là điều tất yếu; cái chúng ta cần học hỏi là sự chặt chẽ trong tổ chức sản xuất chuỗi, xây dựng các vùng nuôi chứng nhận quốc tế, đẩy mạnh giám sát cộng đồng trong lĩnh vực này”.
Xử lý phèn trong ao nuôi tôm
Tại buổi làm việc của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân với tỉnh Cà Mau, các chuyên gia đã dẫn chứng kinh nghiệm từ các nước trên thế giới xuất khẩu tôm sạch: Ecuador, Hà Lan… Đồng thời chia sẻ những giải pháp khi triển khai chương trình tiếp cận tiêu chuẩn của tổ chức Seafood Watch – một tổ chức đánh giá chất lượng thủy sản độc lập và mang tính tự nguyện, được thị trường và người tiêu dùng Mỹ chấp nhận.
Theo đó, khi tiếp cận với tiêu chuẩn này, các nhà cung cấp phải đảm bảo được các tiêu chuẩn của môi trường, từ đó đưa ra các tiêu chí về luật pháp, thức ăn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường… để áp dụng cho các nhà nuôi tôm. Các nông hộ nhỏ lẻ cũng có thể áp dụng một cách đơn giản, theo phương pháp tự quản lý chính cơ sở của mình. Sau đó, Seafood Watch sẽ kiểm tra mẫu từ các cơ sở nuôi tôm cùng với hồ sơ từ các nhà chế biến. Nếu đảm bảo tiêu chuẩn, tôm sẽ được khuyến cáo màu xanh để khách hàng Mỹ lựa chọn.
Cộng đồng sức mạnh để thành công
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh: “Hiện nay, thị trường ngày càng thay đổi, buộc chúng ta phải thay đổi để thích nghi, chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Liên minh phát triển ngành tôm sạch theo hướng bền vững là tất yếu. Qua việc thí điểm 50 hộ dân nuôi tôm có chứng nhận quốc tế, chúng ta đúc kết nhiều kinh nghiệm cho bài toán đưa con tôm qua các thị trường tiềm năng và khó tính”.
Là doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi tôm có chứng nhận quốc tế cũng như xây dựng mối quan hệ với các thị trường khó tính trên thế giới, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là doanh nghiệp thủy sản số 1 Việt Nam và hàng đầu trên thế giới, với sản phẩm có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua việc sở hữu các chuỗi giá trị khép kín và có trách nhiệm, Minh Phú đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, mang lại những giá trị tốt đẹp cho tất cả các thành viên liên quan, đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới với vị thế là nhà cung ứng tôm chất lượng hàng đầu. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Công ty đã thể hiện quyết tâm khi xây dựng các vùng nuôi có chứng nhận quốc tế. Cụ thể, hiện Công ty có hơn 300 nhân viên giám sát thu hoạch vùng nuôi, xây dựng phòng kiểm kháng sinh vùng nuôi hàng tỷ đồng; đội quân lớn giám sát vùng nuôi… vậy mới chuẩn xác được. Công ty có hơn 20 chuẩn xuất khẩu tôm quốc tế trong số hàng trăm chuẩn. Có những chuẩn chỉ xuất khẩu vài tấn tôm, nhưng không vì thế mà Công ty e ngại. Tất cả vì mục tiêu phát triển của ngành tôm”.
Là đơn vị nuôi tôm rất thành công nhiều năm liền ở xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển), Công ty CP Thủy sản N.G Việt Nam đã phát triển bền vững và có vị thế nhất định trong ngành. Ông Hoàng Văn Hoan, Giám đốc dự án Công ty: “Công ty rất đồng tình với chủ trương liên minh trong sản xuất, nuôi trồng và chế biến ngành hàng tôm Cà Mau. Tới đây, mong ngành chức năng cần nghiên cứu kỹ bộ tiêu chí, xem tiêu chí nào phù hợp và không phù hợp để các doanh nghiệp triển khai sao cho hiệu quả mang lại cao nhất”.
Về phía các hợp tác xã thì mong muốn về vấn đề vốn để đầu tư nuôi trồng theo hướng siêu thâm canh công nghệ cao, khi các đơn vị tài chính chưa thực sự nhiệt tình trong khi hiệu quả các vụ nuôi đã được kiểm chứng.
Vấn đề này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng trong chuỗi liên kết cần phải chủ động hơn trong việc hỗ trợ các hợp tác xã về khoản vốn vay, có vậy họ mới có cơ hội đầu tư sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị, bởi lẽ đây là một trong những nhân tố tích cực cung ứng khối lượng lớn tôm cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh: “Ý tưởng xây dựng liên minh tôm sạch là mục tiêu mà thời gian qua tỉnh Cà Mau đang theo đuổi. Sau khi đã thống nhất quyết tâm xây dựng mô hình này, đề nghị các sở, ngành, đơn vị có liên quan bắt đầu chuẩn bị lộ trình cụ thể mà bên Seafood Watch đã đề xuất. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Tổ chức Seafood Watch và các đơn vị có liên quan hình thành một tổ điều phối với nhiều thành phần cụ thể, sau đó bàn bạc xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai thực hiện”.